Tác động “bullish" từ báo cáo Crop Progress đối với đậu tương sẽ không đủ để thúc đẩy giá vượt lên 1260
Đậu tương mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh và hướng lên cận vùng 1260 nhưng đã suy yếu trở lại. Giá đậu tương vẫn đang biến động đi ngang trong khoảng 1230-1260 và nhà đầu tư cần chú ý điểm vào khi giá ở gần 2 mốc hỗ trợ và kháng cự trên. Các thông tin cơ bản chính tác động lên giá đậu tương trong giai đoạn này đều đang trái chiều nhau. Điều này cũng khiến cho giá vẫn lình xình và không có xu hướng rõ ràng, mặc dù 2 mặt hàng khác còn lại trong nhóm là ngô và lúa mì đều trải qua các mức tăng rất mạnh.
Trong báo cáo Crop Progress được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố sáng nay, tiến độ mùa vụ đậu tương đã bị chậm lại đáng kể khi chỉ có thêm 6% diện tích được thu hoạch trong tuần này, trong khi con số này trong báo cáo trước là 13%.
Tuy nhiên, những số liệu này đã được thị trường tiếp nhận khi thông tin qua thông tin về thời tiết ở Midwest nhận được một lượng mưa khá lớn trong tuần trước làm cản trở hoạt động thu hoạch của nông dân. Chính vì thế nên tác động hỗ trợ từ báo cáo này cũng không đáng kể đối với giá đậu tương trong phiên hôm nay.
Khánh Linh
 
Giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp có thể gặp áp lực chốt lời ở các vùng đỉnh cao nhất trong nhiều năm
Các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng tích cực ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Giá cà phê Arabica tăng 2.3% lên 208.7 cents/pound, giá Robusta tăng 2.5% lên 2269 USD/tấn.
Hết nỗi lo về nguồn cung ở Brazil và Việt Nam, đến lượt nguồn cung ở Colombia và Indonesia hỗ trợ cho giá cà phê đi lên. Sản lượng cho niên vụ năm nay của Colombia, nhà sản xuất Arabica lớn thứ hai thế giới bị cắt giảm từ 14 triệu bao còn 13-13.5 triệu bao. Trước đó, nông dân trồng cà phê ở nước này đã từng giữ lại hơn 1 triệu bao cà phê khiến các nhà xuất khẩu gặp thiệt hại nặng nề. Vì thế, tin tức này càng hỗ trợ cho giá Arabica tăng mạnh.
Trên thị trường Robusta, giá tiếp tục vững vàng trên mức cao nhất trong một thập kỷ, và vẫn có còn cơ hội tăng mạnh hơn khi mà xuất khẩu cà phê của nhà sản xuất Robusta lớn thứ 2 thế giới là Indonesia giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên ngoài những yếu tố cơ bản về nguồn cung, thị trường cà phê cũng đang được các quỹ đầu cơ mạnh, đặc biệt là vào những phiên giao dịch đầu tuần, trước thời điểm chốt vị thế với các Sở.
Tiên Phạm
 
Giá đồng gặp sức ép khi thị trường bất động sản và ngành xây dựng của Trung Quốc suy yếu
Kết thúc phiên 1/11, giá đồng hồi phục nhẹ 0.6% lên 4.395 USD/pound, tuy nhiên đây đã là phiên thứ 4 liên tiếp giá đồng biến động trong biên độ 4.33 – 4.43 USD.
Bất chấp việc thị trường đang được rất nhiều tin tức cơ bản hỗ trợ, giá đồng vẫn khó có thể thể tăng mạnh khi mà nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc vẫn chưa được phục hồi. Ngoài chính sách phân bổ điện năng đang làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy, một trong những lĩnh vực tiêu thụ đồng lớn và cũng là mũi nhọn của nền kinh tế Trung Quốc là bất động sản, vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ Evergrande. Bắc Kinh đã tiến hành thắt chặt rất nhiều chính sách hỗ trợ tài chính đối với các công ty xây dựng và bất động sản.
Không kể đến tác động của đợt dịch mới nhất, doanh số bán nhà tháng trước của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 32.2% so với cùng kỳ năm ngoái, vào chính thời điểm vốn là mùa cao điểm bán nhà. Điều này càng làm nghiêm trọng thêm gánh nặng tài chính vốn đã nặng nề của các nhà phát triển bất động sản, đồng thời giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn mới. Việc thị trường nhà đất có nguy cơ “đóng băng” có thể khiến cho ngành xây dựng bị suy yếu, và trực tiếp làm giảm nhu cầu tiêu thụ đồng.
Tiên Phạm
 
Giá dầu vẫn nằm trong xu hướng tăng, tuy nhiên khó có thể tiến đến vùng 100 USD/thùng
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, bất chấp việc Trung Quốc mở bán kho dự trữ. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.57% lên 84.05 USD/thùng, giá Brent tăng 1.18% lên 84.71 USD/thùng.
Thị trường đã chấm dứt giai đoạn điều chỉnh và lấy lại đà tăng ngay trong phiên đầu tháng 11. Các yếu tố hỗ trợ căn bản vẫn rất vững vàng, với các lo ngại về tác động của giá năng lượng đến nền kinh tế thấp dần. Theo dữ liệu ước tính của Bernstein, tại vùng giá 80 USD/thùng, mặc dù chi phí nhiên liệu so với GDP trong năm 2021 hiện đang ở mức 5.2-5.6%, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 6-6.2% trong giai đoạn 2014, do nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong khi hiệu suất sử dụng nhiên liệu liên tục được cải thiện. Chỉ khi giá tăng mạnh lên 100 USD/thùng, như Goldman Sachs và Bank of America dự đoán, thiệt hại về kinh tế mới trở nên nặng nề hơn: Trong lịch sử, giá nhiên liệu chỉ gây ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế khi vượt qua cột mốc 8.8% trong tổng GDP toàn cầu. Do đó, giá cần phải tăng tiếp 60% so với mức hiện tại mới gây ra tác động lâu dài.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV