Kháng cự 1260 vẫn là mức chặn trên hạn chế đà tăng của đậu tương trong phiên hôm nay
Đậu tương đang giảm trở lại sau khi thất bại trong việc phá vỡ kháng cự 1260 vào phiên tối qua. Đây là phiên thứ 7 liên tiếp giá chỉ giằng co trong khoảng 1235 – 1260 trong khi ngô và lúa mì có có đà tăng rõ ràng hơn. Đậu tương đang chịu tác động bởi các thông tin trái chiều nhau và tác động hỗ trợ đang dần yếu thế hơn trước mùa vụ được dự báo kỷ lục và triển vọng thời tiết đang tích cực ở Brazil.
Lực mua và bán hiện đang cân bằng nhau trong bối cảnh thiếu vắng thông tin mới tác động mạnh lên giá khiến cho đậu tương khó có thể phá vỡ được một trong 2 mức chặn của vùng đi ngang và bắt đầu một xu hướng biến động mới. Tuy nhiên, khả năng giá vượt lên vùng 1260 vẫn cao hơn, đặc biệt là khi khô đậu tương cũng vừa vượt lên mức chặn trên của khoảng đi ngang và 2 mặt hàng này có diễn biến giá khá tương đồng với nhau.
Trong báo cáo Ép dầu của Bộ nông nghiệp Mỹ, khối lượng đậu tương được tiêu thụ trong quá trình ép dầu trong tháng 9 chỉ đạt 4.9 triệu tấn, giảm xuống so với tháng trước và thấp hơn so với mức 5.1 triệu tấn cùng kì năm ngoái.
Khánh Linh
 
Giá cà phê sẽ tiếp tục giảm điều chỉnh để tích lũy chờ động lực tăng mới
Kết thúc phiên 2/11, giá cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Hợp đồng Arabica tháng 12 đóng cửa thấp hơn 0.3% còn 208 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 1/2022 giảm 1.5% còn 2234 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở tăng nhẹ lên mức 51% chiết khấu cho giá Robusta.
Các thông tin cơ bản vẫn đang rất tích cực đối với thị trường tuy nhiên, đà tăng không duy trì được khi giá cà phê phải đối mặt với các mức kháng cự cứng, là 210 cents/pound với giá Arabica và mức đỉnh 10 năm 2270 USD/tấn đối với giá Robusta.
Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica (ICAFE) công bố rằng xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10 thấp hơn 29.6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,263 bao. ICAFE cũng cho biết trong niên vụ cà phê từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021, lũy kế xuất khẩu cà phê đạt 1.16 triệu bao, cao hơn 2.16% so với niên vụ trước đó.
Xuất khẩu cà phê ở các nước lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia đều đã giảm mạnh, cho thấy tình hình nguồn cung không khả quan đối với thị trường cà phê. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US tiếp tục giảm gần 20,000 bao còn 1.85 triệu bao, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nếu tình hình chuỗi cung ứng không được cải thiện.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ chịu áp lực ngắn hạn sau khi có kết quả cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang
Giá đồng kết thúc phiên với mức giảm nhẹ 0.6% còn 4.36 USD/pound. Thị trường đang cho thấy tín hiệu tích lũy khá rõ rệt khi mà giá đang duy trì giao dịch trong khoảng 4.34 – 4.44 USD/pound.
Thị trường đồng đang được rất nhiều tin tức cơ bản hỗ trợ nên giá sẽ chỉ đi ngang chứ khó có thể giảm sâu hơn mức giá hiện tại, nhất là trong thời điểm lãnh đạo hơn 100 nước đang tham dự hội nghị COP26 để tìm giải pháp chống biến đổi khí hậu, mà lĩnh vực năng lượng xanh được dự báo sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đồng lại là kim loại thiết yếu đối với toàn bộ các lĩnh vực năng lượng xanh nên triển vọng về nhu cầu tiêu thụ của kim loại này vẫn luôn rất sáng sủa.
Bên cạnh đó, nỗi lo về nguồn cung trong ngắn hạn bắt đầu dịu xuống khi mà các công ty Trung Quốc cũng giảm tiêu thụ đồng để tiết kiệm điện, khiến cho áp lực giao hàng ngay cũng giảm bớt. Tuy nhiên, dữ liệu của Sở LME cho thấy vẫn còn hơn 17,300 hợp đồng chưa tất toán sẽ cần được giải quyết trước khi các hợp đồng tháng 11 hết hạn, đồng nghĩa với việc người bán sẽ cần mua lại hợp đồng hoặc tìm đồng để giao vào kho của LME. Số lượng vị thế mở trong tháng 11 là 433,775 tấn, gấp gần 14 lần khối lượng dự trữ Sở LME.
Tiên Phạm
 
OPEC+ nhiều khả năng sẽ duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp trong cuộc họp sắp tới
Giá dầu kết thúc trái chiều ngày hôm qua, với WTI giảm nhẹ 0.17% xuống 83.91 USD/thùng, giá Brent tăng không đáng kể 0.01% lên 84.72 USD/thùng.
Bất chấp các sức ép nhóm nước châu Á dành cho nhóm OPEC, có một thực tế là các nước này ngày càng phụ thuộc nhiều vào dầu thô nhập khẩu từ nhóm nước Trung Đông, do giá thấp hơn đáng kể so các sản phẩm Brent, WTI. Theo ước tính của Refinitive, tỷ lệ nhập khẩu dầu từ Trung Đông đã tăng lên trên 61% trong tháng trước. Có thể thấy chiến lược giảm giá để dể thu hút khách hàng đã đạt hiệu quả tốt. Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu từ các nước phương Tây liên tục xuống thấp. Khả năng cao OPEC+ sẽ duy trì gia tăng sản lượng ở mức thấp để giữ lợi thế này.
Bên cạnh đó là các lo ngại về dịch COVID-19, hiện tại Trung Quốc đã phong toả gần 3 thành phố do số ca nhiễm mới bùng phát trở lại trong khi nước này duy trì chính sách không khoan nhượng “Zero-COVID”. Số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu, tiêu biểu là Nga và Anh cũng gia tăng các ca mới, cũng có thể thúc đẩy nhóm duy trì đường lối thận trọng, với “cái cớ” là rủi ro COVID-19 gia tăng trong mùa đông, bất chấp một loạt các dự báo cho thấy nhu cầu về dầu tiếp tục tăng trong cuối năm.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV