Nguồn cung thắt chặt sẽ tiếp tục giữ cho lúa mì ở vùng giá cao hiện tại
Diễn biến phiên mở cửa sáng nay hoàn toàn trái ngược với hôm qua khi lúa mì đang là mặt hàng suy yếu nhất. Sau khi Bộ nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo Cung – cầu tháng 10 thì giá lúa mì đã ngay lập tức biến động theo cả 2 chiều nhưng nhìn chung lực mua vẫn chiếm ưu thế khi giá tăng trở lại sau đó. Tuy nhiên, việc suy yếu vào cuối phiên của lúa mì cho thấy đà tăng của giá sẽ khó có thể tiếp tục trong phiên hôm nay.
Tác động báo cáo WASDE đối với lúa mì không quá ấn tượng như đối với ngô và đậu tương khi số liệu tồn kho của Mỹ trong niên vụ 2021/22 giảm về mức 580 triệu giạ và tương đương với mức dự đoán của thị trường. Mặc dù phiên tăng nhẹ hôm qua cho thấy con số này không gây ra bất ngờ nhưng đứng dưới góc độ cung cầu thị trường, mức tồn kho này là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2007/08.
Điều này đã khiến cho giá lúa mì của Mỹ có mức tăng mạnh nhất so với các nước xuất khẩu khác. Không những thế, nguồn cung lúa mì của thế giới cũng bị cắt giảm do hạn hán nghiêm trọng. Ước tính lúa mì của Canada tiếp tục bị giảm xuống trong báo cáo tháng 10 về mức 21 triệu tấn và thấp hơn 40% so với năm ngoái.
Khánh Linh
 
Giá Arabica có thể giằng co mạnh trong phiên hôm nay khi test lại mức đỉnh 217 cents/pound
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai mặt hàng cà phê đi ngược chiều nhau. Trong khi giá Arabica tiếp tục tăng 1.4% lên 204 cents/pound, giá Robusta giảm về 2099 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên 53.4% chiết khấu cho giá Robusta.
Những lo ngại về nguồn cung Arabica vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi khi mà các nhà xuất khẩu cà phê ở Colombia, nhà sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới, không có đủ hàng để giao. Việc giá cà phê trên thị trường hợp đồng tương lai liên tục tăng mạnh, làm cho nông dân trồng cà phê giữ lại hàng để đẩy giá lên cao hơn. Mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US giảm gần 30,000 bao còn 1.916 triệu bao cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica tăng mạnh hơn.
Rất nhiều thương nhân, các nhà xuất khẩu không chỉ bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt hàng để giao cho người mua, mà họ còn chịu lỗ bởi những vị thế bán trên Sở ICE US. Không chỉ những nhà sản xuất, những công ty xuất khẩu và kinh doanh cà phê thường mở các vị thế bán trên thị trường hợp đồng tương lai như một hình thức bảo hiểm rủi ro nếu giá cà phê giảm mạnh.
Tiên Phạm
 
Giá đồng vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh sản xuất sụt giảm ở Trung Quốc
Kết thúc phiên hôm qua, hợp đồng đồng tháng 12 trên Sở COMEX giảm gần 1% còn 4.32 USD/pound, sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Giá đồng đang ở trong giai đoạn giằng co mạnh, bởi các nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều tin tức gây tác động trái chiều lên giá. Một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư, và cả những ngân hàng lớn như Citibank đều cho rằng giá đồng sẽ gặp áp lực trong 3 tháng tới, bởi nhu càu tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Dù vậy, nhưng diễn biến thị trường cho thấy giá đồng vẫn luôn được hỗ trợ bất chấp các tin tức xấu. Trong các kim loại mang tính ứng dụng cao trong công nghiệp, đồng vẫn là kim loại giữ giá tốt nhất trong vòng 3 tháng qua, vì nhu cầu tiêu thụ của kim loại này vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh do các nước vẫn ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng xanh.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan của Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu đồng trong tháng 9 của quốc gia này vẫn tăng, phản ánh nhu cầu tiêu thụ không bị ảnh hưởng quá mạnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao bất chấp các phiên giảm điều chỉnh
Thị trường dầu diễn biến trái chiều ngày hôm qua, khi giá WTI tăng 0.15% lên 80.64 USD/thùng trong khi Brent giảm 0.27% xuống 83.42 USD/thùng.
Đà tăng của thị trường cuối cùng cũng có dấu hiệu hạ nhiệt sau trend tăng dài ngày. Tuy nhiên, thật khó để thấy giá dời khỏi vùng 80 USD/thùng, ít nhất là trong ngắn hạn, khi mà xác suất xảy ra mùa đông lạnh trong năm nay đang cao dần lên.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết có 70% khả năng hiện tượng La Nina quay trở lại trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. Đầu năm năm, ảnh hưởng của La Nina tại Mỹ đã khiến cho nhiệt độ giảm mạnh bát thường, làm tê liệt các nhà máy điện và các cơ sở dầu và khí đốt, đẩy giá nhiên liệu tăng cao. La Nina cũng có thể khiến cho khu vực Bắc Âu mưa nhiều hơn và làm giảm nền nhiệt chung. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường năng lượng nói chung và thị trường dầu nói riêng.
Bên cạnh đấy, phát biểu mới đây của chủ tịch IEA trước Hội nghị Chống biến đổi Khí hậu COP26 cho thấy đầu tư cho các nhiên liệu thay thế từ đây cho đến năm 2030 chỉ mới đạt khoảng 1,000 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 3,000 tỷ USD cần thiết để tạo ra sản lượng cần thiết phục vụ cho mức tiêu thụ hiện tại.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV