Nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc sẽ là yếu tố chính quyết định xu hướng giá trong thời gian tới
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/09, giá ngô đang hồi phục trở lại sau phiên giằng co và giảm nhẹ hôm qua. Phiên bật lên nhanh chóng của giá ngô cho thấy lực mua mạnh ở vùng giá phía dưới, và là dấu hiệu của một nhịp tăng ngắn hạn trong thời gian tới.
Sản lượng ngô của Trung Quốc đã được điều chỉnh cao hơn 5 triệu tấn lên mức 273 triệu tấn. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến là 26 triệu tấn, không thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên những số liệu hàng tuần lại đang đi ngược với triển vọng tích cực này. Mặc dù bước vào giai đoạn thu hoạch và thời gian xuất khẩu cao điểm của Mỹ nhưng giao hàng ngô tuần trước vẫn giảm và chỉ đạt 1/6 so với mức cùng kì năm ngoái. Nếu tình hình xuất khẩu ảm đạm này tiếp tục không được cải thiện thì con số 26 triệu tấn này có khả năng sẽ bị điều chỉnh giảm thấp hơn nhiều trong niên vụ 21/22.
Khánh Linh
 
Tốc độ tăng trưởng chậm ở Trung Quốc có thể khiến giá đồng giảm mạnh
Kết thúc phiên 13/9, giá hai mặt hàng kim loại quý diễn biến trái chiều, giá bạc giảm 0.44% còn 23.8 USD/ounce, giá kim hồi phục nhẹ 0.1% lên 957 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử liên tục suy yếu từ đầu tháng 9 tới nay cho thấy các nhà đầu tư hiện đang ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Giá của các mặt hàng kim loại quý cũng khó bứt phá được trong các phiên gần đây. Lực bán áp đảo ở cả hai thị trường bạc và bạch kim đều cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng về việc FED sẽ tiến hành giảm quy mô mua trái phiếu ngay trong năm nay. Trong hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ được công bố, nếu chỉ số cao hơn so với dự báo, giá của bạc và bạch kim sẽ giảm mạnh bởi áp lực lạm phát sẽ làm FED áp dụng các chính sách để bảo vệ giá trị của đồng USD.
Về mặt kỹ thuật, đối với giá bạc, thị trường vẫn chưa hình thành tín hiệu mua bán rõ ràng. Các nhà đầu tư đang rất thận trọng trước các số liệu lạm phát, và tại thời điểm tin tức ra, giá sẽ có biến động mạnh, các nhà đầu tư nên đứng ngoài trong phiên hôm nay.
Tiên Phạm
 
Gián đoạn tại các cảng biển lớn vì bão Chanthu có thể giúp giá cà phê tăng
Kết thúc phiên 13/9, diễn biến trái chiều quay trở lại với thị trường cà phê. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0.66% còn 186.8 cents/pound, trong khi hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 tăng nhẹ 0.44% lên 2057 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai sở được thu hẹp còn 50% chiết khấu cho giá Robusta.
Giá cả hai mặt hàng cà phê hiện vẫn được hỗ trợ về dài hạn, thị trường đang có tín hiệu bước vào trạng thái đi ngang tích lũy cho một chu kỳ tăng mới. Hiện tình trạng thiếu hụt container và cước phí tàu biển leo thang vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá của cả hai mặt hàng cà phê. Chi phí cho một container từ Brazil đến Mỹ đã tăng lên đến 25,000 USD.
Khu vực trồng cà phê chính ở Brazil là Minas Genais liên tục chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa. Đáng chú ý, trong hôm qua, ở một số thành phố của bang Minas Gerais xuất hiện cháy rừng. Tuy đám cháy đã được khống chế, nhưng vụ cháy có thể làm thay đổi thời tiết ở các khu vực lân cận như miền nam của Minas Gerais và Sao Paulo, nơi đều là những vùng trồng Arabica trọng điểm của Brazil.
Tiên Phạm
 
Sản lượng sẽ là yếu tố chính giúp giá dầu tăng
Giá dầu tiếp tục tăng ngày hôm qua do lo ngại về sụt giảm nguồn cung tại Mỹ khi một cơn bão mới tiến vào Vịnh Mexico và triển vọng lạc quan tại Báo cáo Thị trường dầu của OPEC. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.05% lên 70.45 USD/thùng, Brent tăng 0.81% lên 73.51 USD/thùng.
Báo cáo Thị trường dầu tháng 9 tiếp tục xác nhận tình trạng sản xuất thiếu ổn định trong OPEC. Trong số 10 thành viên tham gia vào chính sách cắt giảm sản lượng, chỉ có UAE và Gabon vượt hạn ngạch đề ra, trong khi các nước khác đều tăng sản lượng dưới mức đề xuất. Hầu hết các thành viên ở châu Phi đều gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng, đặc biệt là Nigeria. Tính riêng trong nhóm, tỷ lệ tuân thủ đạt đến 121%, cao hơn cả con số 117% trong tháng 7.
Nhiều khả năng các nước trong OPEC+ cũng gặp tình trạng tương tự. Đặc biệt, mặc dù đồng minh lớn nhất là Nga được phép tăng sản lượng thêm 105,000 thùng/ngày, tuy nhiên có vẻ nước này cũng không sản xuất theo hạn ngạch đề ra. Theo ước tính của Bloomberg, kể từ tháng 5, sản lượng của Nga liên tục nằm dưới hạn ngạch được phân bổ. Sản lượng thậm chí còn giảm so với tháng 7 khi công ty dầu khí lớn Gazprom tiến hành bảo trì tại mỏ Prirazlomnoye ngoài khơi ở Bắc Cực. Tiếp theo Nga, nhiều khả năng Mexico cũng sẽ không đạt sản lượng dự kiến, khi hoả hoạn xảy ra tại các giếng khoan của Công ty dầu khí Quốc gia Pemex. Điều này khiến cho nguồn cung thế giới ngày càng bó hẹp, khi Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc khôi phục sản lượng do tác động kéo dài từ cơn bão Ida.
Hồng Hoa