Lúa mì quay đầu giảm mạnh khi không vượt được kháng cự, tạo áp lực lên giá các mặt hàng ngũ cốc
Mở cửa phiên giao dịch 18/08, lúa mì lại tiếp tục đà giảm sau phiên bất ngờ giảm mạnh hôm qua. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay, giá bị đẩy xuống vùng 730 ngay sau khi nỗ lực vượt lên mức chặn trên 770 thất bại. Điều này khiến cho giá lúa mì khó có thể nhanh chóng trở lại vùng kháng cự này, ít nhất là trong vài phiên tới.
Mức tăng mạnh ngay lập tức sau khi báo cáo được công bố nhưng cuối phiên lại không giữ được mức tăng này đã cho thấy đà tăng không bền của lúa mì. Hiện tại, thị trường vẫn đang trong quá trình hấp thụ các thông tin từ USDA. Những lo ngại về nguồn cung thắt chặt vẫn đang tiếp tục nhưng thị trường đang bắt đầu nghi ngờ rằng số liệu này có thể đang quá bi quan, theo giám đốc cơ quan phân tích của IKAR. USDA đã cắt giảm 12.5 triệu tấn trong ước tính sản lượng lúa mì của Nga xuống còn 72.5 triệu tấn.
Trong khi đó, mức thấp nhất mà các hãng phân tích đưa ra hiện tại đang là 76.2 triệu tấn. Bộ nông nghiệp Nga cũng đưa ra mức dự báo 81 triệu tấn cho con số này, cao hơn nhiều so với ước tính của USDA. Phản ứng của thị trường đã cho thấy rằng số liệu bất ngờ trong báo cáo Cung-cầu thường sẽ có tác động đến giá rất mạnh ngay trong phiên, nhưng việc xu hướng sau này có duy trì theo hướng này không thì sẽ phụ thuộc vào tính hợp lí so với những thông tin có sẵn trên thị trường. Báo cáo này vẫn chỉ là cơ sở chứ không phải là thước đo cho thị trường.
Khánh Linh
 
Giá dầu đang dần hình thành xu hướng đi ngang
Giá dầu giảm phiên thứ 4 – chuỗi giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 3 sau một loạt các thông tin tiêu cực từ các nền kinh tế lớn. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.04% xuống 66.59 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 69.03 USD/thùng.
Số ca COVID-19 gia tăng cùng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang dần gây áp lực cho các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Số liệu tuần này cho thấy doanh số bán lẻ tại cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm khi chính phủ rút dần các trợ cấp cho người dân và kiểm soát cung tiền trong khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng. Trong khi đó, GDP quý II của Nhật Bản chỉ tăng 1.3%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác trong cùng giai đoạn, nguyên nhân là tình trạng khẩn cấp kéo dài gây khó khăn cho cả sản xuất lẫn tiêu thụ. Mặc dù quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tăng tốc trở lại sau khi giảm tốc tại hầu hết các quốc gia trong tháng 7, tuy nhiên sẽ cần ít nhất 4 tuần để tiêm liều thứ 2, và đợi thêm 2 tuần nữa mới được xem là có miễn dịch đầy đủ (trường hợp sử dụng Pfizer/BioNTech). Như vậy nhanh nhất đến cuối tháng 9 – đầu tháng 10 mới có thể kỳ vọng tình hình lao động, sản xuất lấy lại đà phục hồi.
Theo chỉ số Bất ngờ Kinh tế của Ngân hàng Citibank (Surprise Economic Index), tính đến đầu tháng 8, ngoại từ châu Âu vẫn duy trì đà tăng kinh tế tương đối, các nước khác đều đã hạ nhiệt.
Hồng Hoa