Giá ngô có thể vẫn chưa đủ động lực để thoát khỏi xu hướng lình xình hiện tại
Báo cáo Crop Progres – Tiến độ vụ mùa được bộ nông nghiệp Mỹ công bố sáng nay đã cho thấy số liệu bất ngờ đối với thị trường. Trong khi chất lượng ngô đã ổn định, thậm chí có tăng lên trong vài tuần gần đây và được dự đoán sẽ duy trì trong tuần này, thì số liệu thực tế lại giảm 2% về mức 62% tốt – tuyệt vời, thấp hơn nhiều so với mức 69% trong năm ngoái.
Đây cũng chính là lí do ngô mở cửa phiên hôm nay trở thành mặt hàng dẫn đầu xu hướng tăng của thị trường nông sản sau 2 phiên lình xình vừa qua. Tuy nhiên, đà tăng do chất lượng kém đi khó có thể duy trì đến phiên tối nếu không có thông tin mạnh hỗ trợ thêm vì thông tin này chỉ tác động trong ngắn hạn. Trong khi đó, thiệt hại thực tế đối với sản lượng đã được phản ánh qua số liệu năng suất ngô Mỹ sụt giảm mạnh dưới mức dự đoán trong báo cáo Cung-cầu tháng 8.
Về nguồn cung, rõ ràng tín hiệu thắt chặt đã được thể hiện qua mức tồn kho thế giới niên vụ 21/22 giảm mạnh nhưng lo ngại đã bắt đầu gia tăng khi mô hình La Nina dự báo sẽ quay trở lại vào cuối năm nay với xác suất là 65%. Nếu thời tiết khô hạn tiếp tục diễn ra trong năm nay sẽ khiến mùa vụ lại bị chậm trễ và đe doạ đến sản lượng. Đây sẽ là thông tin mà nhà đầu tư cần chú ý và theo dõi vì xác xuất xuất hiện tăng lên sẽ đồng nghĩa với khả năng ngô sẽ chưa thể đảo chiều mà vẫn duy trì ở nền giá cao trong năm sau.
Xu hướng tăng của giá ngô so với 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại vẫn đang khá yếu và bị tác động nhiều hơn bởi giá lúa mì trong thời gian gần đây. Nếu giá lúa mì vượt vùng đỉnh hiện tại thì sẽ là yếu tố giúp giá ngô bứt phá ra khỏi chuỗi đi ngang và ảm đạm liên tục thời gian gần đây. Ở góc nhìn kĩ thuật, giá ngô vẫn đang trong nhịp tăng ngắn hạn khi Bollinger Bands mở rộng hướng lên, RSI ở trong vùng mua.
Khánh Linh
 
Suy yếu của Trung Quốc có thể là tín hiệu cho khó khăn trong khu vực
Giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp với các thông tin tiêu cực đến từ kinh tế Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.68% xuống 67.29 USD/thùng, giá Brent giảm 1.53% xuống 69.51 USD/thùng.
Giới phân tích lo ngại sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là dấu hiệu cho sự suy yếu chung trong khu vực, khi nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là đối tác xuất – nhập khẩu của nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi tiêu suy yếu tại Trung Quốc có thể kéo theo nhu cầu hàng hoá nhập khẩu giảm trong khi sản xuất suy yếu có thể gây khó khăn cho toàn bộ chuỗi cung ứng, khi “công xưởng của thế giới” là mắt xích chủ chốt cung cấp nhiều linh phụ kiện, sản phẩm. Điều này có thể khiến cho chuỗi sản xuất các nước càng gặp khó khăn.
Mặt khác, các bất ổn đang gia tăng tại Iraq có thể cản trở kế hoạch tăng sản lượng của OPEC. Mới đây, mỏ dầu Kirkuk của Iraq vừa bị tấn công, với nhiều suy đoán cho rằng tổ chức Hồi giáo cực đoan IS là thủ phạm. Mặc dù không có thiệt hại nào xảy ra lần này, tuy nhiên giới phân tích lo ngại rằng với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, các tổ chức khủng bố như IS có thể sẽ quay trở lại, tấn công vào khu dân cư và các phức hợp dầu mỏ. Đầu năm nay, IS đã cho nổ hai giếng dầu tại mỏ Bai Hassan, giết chết ít nhất một nhân viên an ninh và khiến các giếng dầu bốc cháy.
Trên biểu đồ kỹ thuật, mặc dù giá dầu đang hướng xuống, tuy nhiên đà giảm sẽ hạn chế do đã 3 lần giá không vượt qua hỗ trợ tại vùng 66 USD/thùng.
Hồng Hoa