Nhu cầu nhập khẩu từ các nước sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì
Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang tiếp tục đà giảm từ hôm qua. Bên cạnh áp lực chung từ sắc đỏ của thị trường hàng hoá và đồng đô la tăng mạnh thì thời tiết vẫn là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tác động bearish đến giá các mặt hàng nông sản. Mặc dù đã bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng lượng mưa vào cuối tuần này và đầu tuần sau ở các khu vực sản xuất lúa mì vụ xuân ở Mỹ cũng sẽ phần nào tác động tích cực lên chất lượng cây trồng và tạo áp lực lên giá.
Dự báo cho thấy thời tiết khô và nóng vẫn đang chiếm ưu thế ở Nga, làm gia tăng lo ngại về sản lượng thu hoạch. Khác với ngô, những thiệt hại rõ ràng hơn đối với nguồn cung lúa mì thế giới khiến mặt hàng này vẫn đang nằm trong xu hướng tăng kể từ đầu tháng 7 tới nay. Bên cạnh đó, cũng chính vì những số liệu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết lên vụ mùa của Nga lớn hơn nhiều so với dự đoán cung với những tin đồn rằng Nga có thể bắt đầu hạn chế xuất khẩu là những yếu tố thúc đẩy các đơn mua hàng từ các nước.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể đi ngang trong phiên hôm nay
Đóng cửa ngày 19/8, giá cà phê trên hai Sở đồng loạt giảm. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 trên Sở ICE US giảm 0.85% còn 181.3 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 trên sở ICE EU đồng thời giảm 0.75% còn 1863 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ổn định ở mức 53% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ Cà phê trên toàn cầu sụt giảm, giá cả hai mặt hàng cà phê cũng chịu áp lực bất chấp những lo ngại về nguồn cung.
Thêm vào đó, Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Brazil (TRS) đưa ra mức ước tính thiệt hại là 2.7 triệu bao trên tổng số 68 triệu bao cho niên vụ tới (tương đương với mức 3.9%) cho đợt băng giá vừa qua và là mức tổn thất thấp nhất so với dự báo trước đó là 4.5 triệu bao của công ty xuất khẩu Guaxupe và con số 20% sản lượng của vùng Minas Gerais từ công ty xuất khẩu Comexim. Vì vậy, giá cà phê hiện tại không còn được hỗ trợ nhiều và trở nên nhạy cảm trước bất kì yếu tố “bearish” nào. Do đó, đồng USD tăng mạnh trong phiên hôm qua nhờ vào số liệu việc làm tích cực của nước Mỹ đã làm cho giá cà phê trên hai sở đồng loạt lao dốc. Chỉ số Dollar Index tăng lên 93.5 điểm, mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
Thị trường cà phê nhìn chung đang ở trong giai đoạn thiếu vắng các tin tức cơ bản có khả năng gây biến động mạnh lên giá, do đó, giá Cà phê được dự báo sẽ phản ứng với các mức kỹ thuật.
Tiên Phạm
 
Cả ba mặt hàng kim loại có thể đi ngang với biên độ rộng trước thềm cuộc họp tháng 9 của FED
Các nhà đầu tư kim loại quý vừa trải qua một phiên giao dịch đầy ảm đạm khi sắc đỏ vẫn bao trùm toàn bộ bảng giá của bốn mặt hàng. Giá Bạc giảm 0.8% còn 23.23 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm 2.5% còn 971 USD/ounce.
Sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD là yếu tố gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại trong thời gian gần đây. Trong tuần này, chỉ số Dollar Index đã tăng 1.15% lên 93.58 điểm, mức cao nhất kể từ 11/2020. Đà tăng được củng cố nhờ số liệu việc làm tích cực ở Mỹ. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần này tiếp tục giảm mạnh so với dự báo của giới chuyên gia còn 348,000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Các số liệu việc làm từ tháng 7 đến nay đều cho thấy tín hiệu hồi phục mạnh mẽ của thị trường lao động, nên nhiều khả năng FED sẽ sớm thu hẹp các gói kích thích trong năm nay. Giá Bạch kim sụt giảm mạnh hơn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh mẽ khiến cho các hoạt động sản xuất ô tô cũng rơi vào trạng thái đình trệ và nhu cầu tiêu thụ Bạch kim cũng sụt giảm mạnh.
Về mặt kỹ thuật, trước kì họp tháng 9 của FED, cả Bạc và Bạch kim sẽ được dự báo sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ hiện tại.
Tiên Phạm
 
Giá dầu liên tiếp bị kìm hãm bởi dịch COVID-19
Giá dầu tiếp tục giảm ngày hôm qua với giá WTI đóng cửa giảm 2.62% xuống 63.5 USD/thùng, giá Brent giảm 2.61% xuống 66.45 USD/thùng khi triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu. Như vậy, dầu thô đã đánh mất gần 15% giá trị so với mức đỉnh trong tháng 7.
Sự suy yếu trong sản xuất tại các nước Đông Nam Á đã bắt đầu gây ra thiệt hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Mới đây, Toyota thông báo sẽ giảm 40% sản lượng trong tháng 9 do thiếu hụt chất bán dẫn và chip do dịch COVID-19. Thiếu nhân công kết hợp với các lệnh phong toả, giãn cách đã khiến cho giá vận tải đường biển quốc tế tăng vọt. Liên Hợp quốc ước tính tổng xuất khẩu của châu Á chiếm khoảng 42% tổng thương mại toàn cầu, do đó nhiều khả năng Mỹ và các nước phương Tây sẽ chịu sức ép chi phí đầu vào gia tăng do thiếu hụt nguyên vật liệu và gia tăng cước vận chuyển trong thời điểm chuẩn bị sản xuất cho mùa lễ Giáng sinh cuối năm. Điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ với các doanh nghiệp, nhất là khi doanh thu trong dịp cuối năm thường chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập cả năm. Theo Bloomberg, mặc dù các dữ liệu hiện giờ vẫn cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đà để tăng tốc trong quý này, các tỉnh thành tại Trung Quốc đang chịu sự lây lan của biến thể Delta chiếm đến 1/3 GDP cả nước.
Hồng Hoa