Số liệu trong báo cáo Export Sales tối nay có thể sẽ tạo áp lực lên giá ngô
Mở cửa sáng nay, giá ngô đang giảm khá mạnh về trên vùng tích luỹ đi ngang kể từ cuối tháng 7. Mặc dù đứng trước triển vọng nguồn cung thắt chặt khi sản lượng dự kiến của Mỹ và Brazil niên vụ 2020/21 đều sụt giảm mạnh so với những kỳ vọng ban đầu, thị trường vẫn không còn nhiều động lực tăng giá. Trong khi đó, bên bán vẫn chưa từ bỏ khi kì vọng vào việc thời tiết tốt lên trong tháng 8 này mặc dù không tác động quá lớn nhưng vẫn sẽ phần nào giúp cải thiện chất lượng cây trồng trong những giai đoạn phát triển cuối cùng.
Trước báo cáo Export Sales được công bố vào 19:30 tối nay, thị trường đang dự đoán mức bán hàng ngô niên vụ 2020/21 trong tuần kết thúc ngày 12/08 sẽ thấp hơn mức 377,553 tấn của tuần trước và thậm chí còn có mức âm. Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ kết thúc niên vụ hiện tại nhưng với tốc độ hiện tại, luỹ kế bán hàng khó có thể tăng từ mức 70.1 triệu tấn lên mức 72 triệu tấn như USDA ước tính. Ngoài ra, luỹ kế giao hàng ngô cũng mới chỉ đạt mức 64 triệu tấn. Để đạt được mức cam kết xuất khẩu hiện nay nghĩa là mỗi tuần sẽ có khoảng 2 triệu tấn ngô được xuất khẩu nhưng xu hướng trong những tuần cuối niên vụ thì xuất khẩu ngô sẽ giảm và khó có thể đạt được con số này.
Khánh Linh
 
Khó khăn trong chuỗi vận chuyển toàn cầu có thể tiếp tục hỗ trợ giá Robusta trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, sắc xanh đã quay trở lại với thị trường cà phê. Giá Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0.5% lên 182.85 cents/pound, giá Robusta cũng đóng cửa với mức tăng 1.7% lên 1877 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ còn 53% chiết khấu cho giá Robusta.
Đối với giá cà phê Arabica, các tin tức về đợt thời tiết khô nóng ở Brazil đã bão hòa và không còn hỗ trợ nhiều cho giá. Trong bối cảnh nguồn cung được dự báo sẽ suy giảm, nhu cầu ở khu vực tiêu thụ lớn bậc nhất trên toàn cầu là Mỹ và Canada cũng bị ảnh hưởng do sự lây lan của biến chủng Delta, khiến cho tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đến cuối tháng 7 đã tăng hơn gần 300,000 bao so với tháng 6 lên mức 6.07 triệu bao. Do đó, giá cà phê Arabica khó có thể bứt phá trong giai đoạn này.
Lăng kính kỹ thuật cho thấy, giá Arabica đang tích lũy trong khu vực 180 – 190 cents/pound. Mức 180 cents vẫn là một mức hỗ trợ rất tốt đối với giá. Trong những phiên gần đây, lực mua bán khá cân bằng khiến giá giằng co ở vùng 180 – 185 cents/pound. Nếu hôm nay phe mua đưa giá bứt phá khỏi mức 185 cents, giá sẽ sớm test lại mức 190 cents/pound. Trong kịch bản tiêu cực hơn, giá giảm về dưới mức hỗ trợ cứng 180 cents/pound, giá có thể rớt về mức 176 cents/pound.
Tiên Phạm
 
Kim loại quý đi ngang, giá đồng có thể tiếp tục giảm
Đóng cửa ngày 18/8, giá hai mặt hàng kim loại quý diễn biến trái chiều. Giá Bạc tiếp tục sụt giảm 1% phiên thứ 3 liên tiếp về mức 23.42 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim hồi phục nhẹ lên 996.4 USD/ounce.
Trong ngày hôm qua, chất xúc tác của thị trường đến từ biên bản cuộc họp tháng 7 của FED. Phần lớn các thành viên đều nhất trí rằng FED có thể giảm tốc độ thu mua tài sản trị giá 120 tỉ USD mỗi tháng từ cuối năm nay. Tuy nhiên, biến chủng Delta vẫn là một yếu tố khiến cho một vài quan chức FED muốn trì hoãn việc giảm các chính sách hỗ trợ tới đầu năm sau.
Hiện tại, tiến độ hồi phục của thị trường lao động vẫn là yếu tố quan trọng nhất để FED đưa ra quyết định thay đổi chính sách tiền tệ. Bộ Lao động Mỹ đã công bố các số liệu việc làm của tháng 7 tích cực hơn so với dự đoán của giới chuyên gia, tuy nhiên, số liệu của tháng 8 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta thời gian gần đây. Nội dung cuộc họp tháng 7 của FED cũng không gây quá nhiều bất ngờ trên thị trường nên giá Bạc và Bạch kim không bị ảnh hưởng quá mạnh mà vẫn duy trì giao dịch trong biên độ đi ngang trước đó. Giới đầu tư sẽ chuyển sự chú ý sang cuộc họp tháng 9 của FED, vì vậy, thị trường kim loại quý có thể ít biến động trước thềm cuộc họp này.
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể tiếp tục giảm trong 2 phiên cuối tuần
Giá dầu giảm liên tiếp từ đầu tuần khi các lo ngại về sức khoẻ kinh tế toàn cầu đè nặng lên tâm lý thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá WTI giảm 1.7% xuống 65.46 USD/thùng, giá Brent giảm 1.16% xuống 68.23 USD/thùng.
Tính từ mức đỉnh 74.69 USD/thùng trong tháng 7, giá dầu WTI đã giảm hơn 12%. Chỉ trong 1 tháng, bức tranh kinh tế vĩ mô đã thay đổi nhanh chóng, gây sức ép lên cả thị trường dầu.
Dễ nhận thấy thay đổi lớn nhất trong thời gian qua chính là sự gia tăng của dịch COVID-19 do biến thể Delta lây lan ra nhiều nước trên thế giới, khiến cho cả các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc lẫn các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia đều gặp vấn đề trong việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất - tiêu dùng, gây ra khó khăn đối với nền kinh tế. Liên tiếp các số liệu vĩ mô gây thất vọng từ Trung Quốc đến Mỹ đầu tuần khiến giá không có nhiều cơ hội phục hồi, kể cả khi tồn kho dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm trong Báo cáo Xăng dầu hàng tuần của EIA ngày hôm qua.
Hồng Hoa