Giá nguyên liệu đầu vào ổn định
Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá bông tự nhiên đang giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) tính đến ngày 24/8/2023 ở mức 1.900 USD/tấn. Đây là mức giá ổn định kể từ đầu năm nay sau hai đợt giá leo đỉnh vào hồi tháng 5 và tháng 8/2022, chênh lệch với hiện tại lần lượt là 83% và 42%.
Sự ổn định của giá bông xuất phát từ cả hai phía cung và cầu của mặt hàng này. Nguồn cung bông trong niên vụ 2023/24 tại các quốc gia cung ứng hàng đầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức tốt. Thậm chí, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu bông tại Brazil, quốc gia cung ứng mặt hàng này lớn thứ 2 thế giới, đạt 11,25 triệu kiện, tăng gần gấp đôi so với mức 6,65 triệu kiện trong niên vụ 2022/23. Trong khi đó, nhu cầu bông chưa có tín hiệu đột phá. Đặc biệt, những áp lực từ diễn biến kinh tế ảm đạm tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông số 1 toàn cầu, khiến thị trường lo ngại nhu cầu về bông sẽ không hồi phục như kỳ vọng trước đó.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Giá bông tự nhiên dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định từ giờ cho đến hết năm 2023. Cán cân thương mại giữa xuất và nhập khẩu bông tự nhiên trong niên vụ 2023/24 dự đoán ở mức cân bằng giúp giá ít biến động. ”
Bông là nguyên liệu đầu vào chính của ngành công nghiệp dệt may. Tại Việt Nam, bông tự nhiên phục vụ cho hoạt động sản xuất ngành sợi và dệt may hầu hết đến từ hoạt động nhập khẩu. Do đó, việc giá bông ổn định ở mức thấp trong bối cảnh các nhân tố đầu vào khác không đổi sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp dệt may nước ta giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa, điều này cũng giúp các doanh nghiệp thêm cơ hội trở lại đường đua xuất khẩu hàng dệt may thế giới.
Doanh nghiệp trong nước tích cực chuyển mình để thích ứng với bối cảnh mới
Bên cạnh hỗ trợ ngoại cảnh từ chi phí đầu vào, bản thân các doanh nghiệp dệt may cũng rất tích cực và chủ động trong việc chuyển mình nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường quốc tế. Chuyển đổi “sản xuất xanh” chính là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng bắt nhịp lại cuộc đua xuất khẩu với những đối thủ cạnh tranh.
Tuy vậy, việc “xanh hóa” là cả một quá trình và cần có thời gian để các doanh nghiệp hoàn thiện. Song song với quá trình này, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì sản xuất, cũng như sự hiện diện trên thị trường bằng cách tiếp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, không phải thế mạnh.
Nhờ việc chuyển đổi và tận dụng từng cơ hội nhỏ, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng dần có được sự cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã có những chuyển biến tích cực từ tháng 5. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm là 19,05 tỷ USD, thấp hơn 14,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức chênh lệch 38% của tháng 1 năm nay.
Hơn nữa, cuối năm là thời điểm các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết... diễn ra, sẽ thúc đẩy sự gia tăng tự nhiên trong nhu cầu đối với hàng dệt may so với sự ảm đạm về đơn hàng của những tháng đầu năm nay. Với sự chủ động nắm bắt cơ hội từ các doanh nghiệp dệt may nội địa, ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD sẽ có thêm cơ hội để gia tăng tốc độ phục hồi.
Chính Phủ nỗ lực hỗ trợ vì sự phát triển bền vững
Trong những nỗ lực đưa ngành công nghiệp dệt may hồi phục và trở lại đường đua xuất khẩu với các quốc gia cung ứng lớn trên thế giới, không thể không kể những tác động mang tính định hướng đến từ các chính sách và chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước.
Ngày 31/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 với chủ đề: “Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và giày da”.
Tại hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là điều cần thiết, không chỉ tránh những tác động cục bộ từ các thị trường lớn mà còn mở ra nhiều cơ hội gia tăng lượng hàng dệt may xuất khẩu mỗi năm. Theo đó, bên cạnh việc duy trì hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU... Việt Nam có thể hướng tới các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như: Châu Phi, Mỹ La Tinh...
Không chỉ là những chỉ đạo mang tính định hướng, Nhà nước cũng có những văn bản pháp luật hướng tới tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mới nhất, ngày 14/8, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023; Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
“Những hỗ trợ kịp thời và tận lực từ phía Nhà nước là nền tảng quan trọng, tạo lớp nền vững chắc để các doanh nghiệp ngành dệt may tiếp đà chuyển đổi, cũng như hướng tới những sự phát triển bền vững và lâu dài hơn”. Ông Quang Anh nhấn mạnh.
Như vậy, những chuyển biến tích cực trên thị trường có thể giúp ngành dệt may dần phục hồi từ nay đến cuối năm, với một trạng thái “bình thường mới”. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 khả năng cao có thể đạt mức 40 tỷ USD, nhưng vẫn cần cố gắng rất nhiều để đạt mục tiêu 45-48 tỷ USD đặt ra hồi cuối năm 2022.