Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 1.117,8 triệu USD, tăng 48,81% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng xuất khẩu hàng cà phê của Việt Nam sang EU chiếm 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (GBE), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới. Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025.
Bất chấp những thách thức từ việc lượng dự trữ cà phê của Việt Nam hiện đang rất ít trong khi nguồn cung eo hẹp và tình hình lạm phát vẫn chưa được kiểm soát tốt và lãi suất tăng cao tại cả EU thì 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường Âu vẫn tăng mạnh gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU còn được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã giảm bớt. Ngoài ra, nguồn cung cà phê toàn cầu sụt giảm kể từ năm 2022, đặc biệt là tại Brazil, Colombia, Peru… vốn là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam chiếm thị phần tại EU.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng tháng của Việt Nam sang EU biến động rất mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1 và 3/2024 song giảm mạnh trong tháng 2,4,5/2024. Riêng tháng 5/2024, xuất khẩu giảm gần 54%.
Các thị trường xuất khẩu chính
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức lớn nhất, với 7,8 nghìn tấn, trị giá đạt 31 triệu USD vào tháng 5/2024, giảm 67,25% về lượng và giảm 64% về giá trị so với tháng 4/2024 và giảm 46,85% về lượng và giảm 9.39% về giá trị so với tháng 5 năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trước Đức đạt 349,6 triệu USD (tương đương 104,3 nghìn tấn), tăng 45,5% về giá trị song giảm 8,5% về khối lượng so với cùng kỳ 2024, chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU, thấp hơn mức trị giá 32,2% vào năm 2023.
Đứng thứ hai là thị trường Italy với mức trị giá đạt 24,5 triệu USD (tương đương 7,8 nghìn tấn) vào tháng 5/2024, giảm 27% về giá trị và giảm 45,5% về khối lượng so với tháng 4/2024 và giảm 45,4% về giá trị và giảm 13,57% về khối lượng so với tháng 5/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Italy tổng mức trị giá đạt 254,3 triệu USD (tương đương 80,6 nghìn tấn), giảm 2,69% về lượng song tăng 43,5% về giá trị so với cùng kỳ 2024, chiếm tỷ trọng 22,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU, cao hơn mức tỷ trọng 22,6% vào cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Tây Ba Nha với mức trị giá đạt 24,6 triệu USD (tương đương 5,44 nghìn tấn) vào tháng 5/2024, giảm 42,29% về giá trị và giảm 49% về giá trị so với tháng 4/2027 và giảm mạnh 43% khối lượng và 43,6% về giá trị so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang Tây Ba Nha đạt 217,8 triệu USD (tương đương 60,8 nghìn tấn), tăng 102% về giá trị và tăng 33,15% về khối lượng so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 19,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU trong 5 tháng đầu năm, cao hơn mức 14,2% của cùng kỳ năm 2023.
Chủng loại xuất khẩu chính
Về chủng loại sản phẩm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Mặc dù tỷ trọng cà phê chế biến sâu vẫn rất thấp, nhưng đã tăng so với các năm trước, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU đạt 1.113,9 triệu USD, tăng mạnh 47,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu cà phê
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang EU trong tháng 5/2024 đạt 4.177,82 USD/tấn, tăng 9,92% so với tháng 4/2024 và tăng 71,61% so với tháng 5/2023. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm đạt 3406,51 USD/tấn, tăng 53,47% so với cùng kỳ 2023.
Thị hiếu tiêu dùng cà phê EU
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng cà phê thế giới và được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các nước xuất khẩu cà phê trong đó có Việt Nam. Lượng tiêu thụ cà phê trên đầu người ở EU là trung bình trên 5kg/người/năm. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến, đặc sản ngày càng gia tăng. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm khoảng gần 40% xuất khẩu của toàn ngành. Hiệp định EVFTA đã đưa thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%, tạo điều kiện giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.
Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu, Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ tại các thị trường thành viên khác nhau. Quy mô thị trường cà phê châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Tây Âu do đã ăn sâu vào văn hóa và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhu cầu về cà phê cũng ngày càng tăng trong khu vực do số lượng quán cà phê mới mở, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê và số lượng người mua máy pha cà phê ngày càng tăng. Do đó, châu Âu được coi là thị trường tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất cà phê nào cũng muốn khai thác.
Theo số liệu thống kê năm 2023, EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu, chiếm gần 50% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn thế giới. Chính vì thế, EU là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng đối với tất cả các nước sản xuất trên thế giới. Nhập khẩu cà phê của EU có tốc độ tăng trưởng ổn định, (bình quân 0,3%/năm, theo số liệu giai đoạn 2015-2020).
Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong 2 tháng đầu năm 2024, Liên minh châu Âu có xu hướng tăng cường nhập khẩu mặt hàng cà phê. Cụ thể, mặt hàng cà phê (HS 0901, 2101) có trị giá nhập khẩu đạt 4,09 tỷ USD, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo triển vọng
Nguồn cung cà phê của Việt Nam đang cạn dần trong khi triển vọng vụ mùa tới cũng không mấy khả quan, nguồn cung sẽ vẫn thắt chặt cho đến khi vụ thu hoạch mùa tới vào tháng 11/2024. Giá cà phê dự báo sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam. Hiện các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Thông tin từ nhà giao dịch Volcafe, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam ước đạt 24 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm, do thời tiết không thuận lợi.
Còn theo báo cáo của Cơ quan thường trú nước ngoài Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post), sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 dự báo vào khoảng 29 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với ước tính 29,1 triệu bao của niên vụ 2023-2024. Trong đó, sản lượng cà phê robusta đạt 27,85 triệu bao, thấp hơn so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi sản lượng arabica sẽ tăng nhẹ lên 1,15 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (GBE), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới. Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025. Các báo cáo gần đây từ USDA cũng đưa ra bức tranh trái chiều về sản lượng cà phê của các nước. Theo đó, sản lượng dự kiến tăng ở Brazil và phục hồi ở Indonesia, Colombia, Peru, Mexico, Nicaragua. Ngược lại, triển vọng có vẻ tiêu cực đối với Guatemala, Costa Rica và đặc biệt là Honduras.
Về những yếu tố tác động đến xuất khẩu mặt hàng cà phê, tại một số thị trường nhập khẩu cà phê lớn tại EU như Đức, Ý, thị phần cà phê Việt Nam được nhận định kém cạnh tranh hơn so với Braxin do cà phê Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô loại Robusta thường dùng để phối trộn, trong khi nhu đó nhu cầu tại các thị trường này là cà phê cấp cao, cà phê hữu cơ và cà phê đặc sản. Do vậy, không dễ dàng để cạnh tranh thị phần với nhà cung ứng cà phê lớn nhất này tại thị trường EU.
EU là một khối thị trường thống nhất trong đa dạng, mỗi quốc gia lại có những thị hiếu, tập quán thưởng thức cà phê khác nhau, nhu cầu đa dạng với nhiều loại cà phê. Việc dung hòa được thị trường là một thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Ngoài ra, người tiêu dùng châu Âu cũng đòi hỏi yêu cầu chất lượng cà phê rất cao. Trên thực tế, EU được biết đến là một thị trường khó tính với những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu và đặc biệt nghiêm ngặt với các mặt hàng nông sản thực phẩm với mục đích để bảo vệ sức khoẻ con người, điển hình như các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về đóng gói, dán nhãn…