Chiều nay (11/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính, tỉnh Tiền Giang bày tỏ băn khoăn về tình hình suy giảm của các sản phẩm xuất khẩu, ứng đọng, có mặt hàng phải đổ bỏ. Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, cần giải quyết như thế nào.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói 5 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu một số hàng hóa trong đó nông sản có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nói chung chỉ tăng 7,8%, chưa đạt được mục tiêu 10% mà Chính phủ đề ra. Nguyên nhân Bộ trưởng đưa ra là một số nông sản gạo, thủy sản có giá thấp hơn; xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 50% so với năm trước; một số thị trường xuất khẩu chính như Nhật, EU đang có tình trạng tỉ giá thấp.
Tuy nhiên, ông Hoàng lại cho rằng suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm chỉ mang tính nhất thời, tình hình sẽ được cải thiện khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thông qua, là cơ hội cho đầu ra nông sản.
“Liên quan đến đàm phán các hiệp định thương mại, chúng tôi nhận thức sâu sắc, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chỉ đóng góp 18% GDP nhưng giữ vai trò tác động đến 70% người dân. Chính vì vậy, ngành công thương khi đàm phán các hiệp định bao giờ cũng đặt vấn đề đối tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng này. Và phần lớn các đối tác chấp nhận mở cửa đối với những sản phẩm này với thuế suất 0% hoặc thấp nhất có thể”, Bộ trưởng nói.
Đối với việc nông sản tồn đọng, việc lưu thông gây ách tắc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết diện tích trồng nông sản phân tán nhiều nơi, điều kiện bảo quản, vận chuyển gặp không ít khó khăn.
Theo Bộ trưởng, hiện nay Việt Nam có 8.500 chợ truyền thống ở nông thôn, tiêu thụ khoảng 60% tổng số hàng hóa bán lẻ cả nước. Cả nước có 900 trung tâm thương mại, siêu thị tiêu thụ 20% sản phẩm hàng hóa trong nước. Hệ thống các kho bãi phân loại, lưu giữ có khoảng 1 triệu m2 với 1.200 doanh nghiệp logistics nhưng chưa có đóng góp nhiều trong tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng các hệ thống tiêu thụ - kết nối người sản xuất với người tiêu dùng như triển khai thí điểm liên kết 4 nhà tại 12 tỉnh, thành phố; tiếp tục xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm; gắn kết chặt chẽ có hiệu quả với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam...
Liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu, Đại biểu Trần Khắc Tâm, tỉnh Sóc Trăng đặt câu hỏi: Cách đây 3 năm, hành tím rớt giá, Bộ trưởng hứa sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp để xúc tiến thương mại, tiến hành xuất khẩu, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, giá cả. Những việc nêu trên đã triển khai chưa?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói, Bộ Công thương đã thực hiện công tác tìm hiểu thị trường, 80% sản lượng là xuất khẩu và xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia. Tuy nhiên, cuối năm 2014, Indo thay đổi chính sách, hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy trổng trọt trong nước nhưng không công khai thông tin này. Do đó, khi thông tin này được công khai thì mùa hành tím đã vào vụ thu hoạch năm 2015.
Bộ trưởng đề nghị, hành tím được trồng tại một số địa phương như Sóc Trăng và tỉnh lân cận nên mong địa phương hướng dẫn bà con, duy trì quy hoạch, hạn chế cung vượt quá cầu.