Với mức tiêu thụ chè bình quân đầu người là 1kg/năm, Pakistan là một trong những nước tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, sau Úc (2,7kg chè/người/năm), Iran (2,4kg chè/người/năm), Thổ Nhĩ Kỳ (2,15kg chè/người/năm) và Xri Lan-ca (1,45 kg chè/người/năm). Tuy nhiên, từ sau khi vùng đất phía đông tuyên bố độc lập (nay là nước Cộng hòa nhân dân Băng-la-đét), sản lượng chè sản xuất tại Pakistan bị sụt giảm đáng kể. Để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, Pakistan phải nhập khẩu chè từ bên ngoài, chủ yếu là từ Kenya. Hiện nay, Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Nga, Anh và Ai Cập. 

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu sang Pakistan 313,6 triệu USD, tăng 3,55%. Trong rổ hàng hóa xuất khẩu sang Pakistan thì nhóm hàng nông sản chiếm phần lớn, trong đó chè là mặt hàng chủ lực, chiếm 31% tổng kim ngạch với 51,8 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại giảm 10,33%.

Mặc dù việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan đạt kim ngạch khá lớn, song vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng số chè tiêu thụ tại Pakistan. Pakistan chủ yếu nhập khẩu chè từ Kenya (65% tổng kim ngạch nhập khẩu chè), ngoài ra nước này còn nhập khẩu số lượng lớn từ các nước như Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Uganda…

Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu); chất lượng, mẫu mà còn chưa hấp dẫn khiến giá chè thấp, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường. Đây cũng là một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng.

Ngoài mặt hàng chè, thì hạt tiêu và hạt điều có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng lần lượt 241,22% và tăng 211,27%.

Đáng chú ý, mặt hàng sắt thép, tuy kim ngạch chỉ đạt 31,2 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm 2015 lại tăng trưởng mạnh vượt trội, tăng 1003,01%.

Nhìn chung, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Pakistan các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 57,1% và ngược lại các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng âm chiếm 42,8%.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Pakistan 9 tháng 2016

Nguồn: VITIC

 

 

Nguồn: Vinanet