Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023 cả nước xuất khẩu 492.387 tấn gạo, tương đương 338,67 triệu USD, giá trung bình 687,8 USD/tấn, giảm 18% về lượng, giảm 15,4% về kim ngạch nhưng tăng 3,2% về giá so với tháng 11/2023; so với tháng 12/2022 thì tăng13,3% về lượng, tăng 53,8% kim ngạch và tăng 35,7% về giá.
Trong tháng 12/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục tăng 6,4% về lượng và tăng 7,8% về kim ngạch, tăng 1,3% về giá so với tháng 11/2023, đạt 260.692 tấn, tương đương 179,67 triệu USD, giá 689,2 USD/tấn; so với tháng 12/2022 thì tăng 20,6% về lượng, tăng 74,4% kim ngạch và tăng 44,6% về giá. Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia tháng 12/2023 giảm mạnh 61,2% về lượng và giảm 63,3% kim ngạch và giảm 5,4% về giá so với tháng 11/2023, đạt 42.467 tấn, tương đương 25,58 triệu USD; so với tháng 12/2022 thì cũng giảm16,2% về lượng, nhưng tăng 3,2% kim ngạch và tăng 23% về giá.
Đáng chú ý là xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 12/2023 tăng rất mạnh trên 85% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 11/2023, đạt 21.630 tấn, tương đương 12,99 triệu USD; so với tháng 12/2022 thì giảm rất mạnh 49,7% về lượng, giảm 45,5% kim ngạch.
Tính chung cả năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 8,13 triệu tấn, tương đương gần 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về khối lượng, tăng 35,4% về kim ngạch so với năm 2022, giá trung bình đạt 575 USD/tấn, tăng 18,3%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38,6% trong tổng lượng và chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 3,13 triệu tấn, tương đương trên1,75 tỷ USD, giá trung bình 559,4 USD/tấn, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 17,6% về kim ngạch và tăng 20,6% về giá so với năm 2022.
Tiếp sau đó là thị trường Indonesia chiếm trên 14,3% trong tổng lượng và chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch, đạt trên 1,17 triệu tấn, tương đương 640,25 triệu USD, giá trung bình 549,2 USD/tấn, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% kim ngạch; giá tăng 11,7% so với năm 2022.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 917.255 tấn, tương đương 530,61 triệu USD, giá 578,5 USD/tấn, tăng 7,8% về lượng, tăng 22,7% kim ngạch và tăng 13,9% về giá so với năm 2022, chiếm gần trên 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt trên 5,79 triệu tấn, tương đương 3,24 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng, tăng 43,2% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 574.813 tấn, tương đương 317,78 triệu USD, giảm 0,7% về lượng, tăng 13,4% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt gần 4,83 triệu tấn, tương đương 2,68 tỷ USD, tăng 24,6% về lượng, tăng 48,4% kim ngạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%). Với sản lượng trên đã áp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn.
Nhờ đó, giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Năm 2024, với diện tích 7,1 triệu ha gieo cấy, ngành nông nghiệp sẽ thâm canh tăng năng suất để sản lượng lúa đạt từ 43-43,5 triệu tấn.
Theo các chuyên gia, nguồn cung vẫn ở mức thấp và dự đoán nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ mạnh trong năm nay, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc. Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ tuần này đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng giữa bối cảnh giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác cũng đồng loạt đi lên, do nhu cầu cải thiện trong lúc nguồn cung hạn chế.
Giá gạo tại Án Độ vẫn ở mức cao bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu. Nguồn cung tại các thị trường đã bắt đầu chững lại do sản lượng thấp hơn. Chính phủ Ấn Độ đã thu mua 46,39 triệu tấn thóc trong năm 2023, giảm so với mức 53,4 triệu tấn của năm trước.
Xuất khẩu gạo năm 2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 14/1/2024 của TCHQ)