Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 19 ngày đầu tháng 7/2021, giá hạt tiêu xuất khẩu tại các thị trường biến động không đồng nhất. Ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen trong nước giảm từ 1,3 – 3,4% so với ngày 30/6/2021.
Thị trường hạt tiêu trong nước
Do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và giá cước phí vận chuyển quá cao, sức mua của doanh nghiệp hạn chế, hàng tồn kho ở mức cao, lượng hạt tiêu trong dân còn khá nhiều. Điều này khiến giá thu mua hạt tiêu trong nước giảm. Ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen trong nước giảm từ 1,3 – 3,4% so với ngày 30/6/2021.
Mức giảm mạnh nhất 3,4% ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai; mức giảm thấp nhất 1,3% ở hầu hết các vùng sản xuất. Giá hạt tiêu đen trong nước dao động quanh mức 72.000 – 75.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 113.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg (tăng 1,8%) so với cuối tháng 6/2021 và tăng mạnh so với 66.500 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 6/2021 ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2/2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 33,15 nghìn tấn, trị giá 118,7 triệu USD, tăng 18,6% về lượng và tăng 23,8% về trị giá so với tháng 5/2021, so với tháng 6/2020 tăng 64,3% về lượng và tăng 154,1% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 154 nghìn tấn, trị giá 496,84 triệu USD.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam khá thuận lợi trong tháng 6/2021, tuy nhiên diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xri Lan-ca, Căm-pu-chia.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, Hoa Kỳ và EU đã chuyển hướng nhập khẩu hạt tiêu từ Bra-xin vì chất lượng không quá chênh lệch so với hạt tiêu của Việt Nam, chi phí vận chuyển từ Bra-xin đến Hoa Kỳ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
Tháng 6/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.580 USD/tấn – ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2018, tăng 4,4% so với tháng 5/2021 và tăng 54,7% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.225 USD/ tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang nhiều thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, như: Ai Cập tăng 89,1%, lên mức 3.477 USD/tấn; U-crai-na tăng 73,7%, lên mức 3.502 USD/tấn; Nga tăng 70,9%, lên mức 3.472 USD/tấn; Cô-oét tăng 64,6%, lên mức 3.585 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu:
Tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020, như: Hoa Kỳ, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Pa-ki-xtan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hà Lan giảm trong tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Ấn Độ, Đức, Nga tăng mạnh trong tháng 6/2021 so với tháng 6/2020, nhưng vẫn giảm trong 6 tháng đầu năm nay.
Thị trường hạt tiêu thế giới
Trong 19 ngày đầu tháng 7/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tại Ấn Độ và Việt Nam giảm so với cuối tháng 6/2021; giá xuất khẩu tại Bra-xin ổn định; giá xuất khẩu tại In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a tăng nhẹ. Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tại In-đô-nê-xi-a tăng, giá tại Việt Nam và Ma-lai-xi-a giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu của Ấn Độ trong quý I/2021 đạt 6.020 tấn, trị giá 24,7 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu nghiền chiếm 54% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ.
Tại Bra-xin, ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định so với ngày 30/6/2021, giao dịch ở mức 4.000 USD/tấn .
Tại cảng Lampung ASTA của In-đô-nê-xi-a, ngày 19/7/2021 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng lần lượt 0,1% và 10,9% so với ngày 30/6/2021, lên mức 3.817 USD/tấn và 6.830 USD/tấn.
Tại cảng Kuching của Ma-lai-xi-a, ngày 19/7/2021 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 2,5% so với ngày 30/6/2021, lên mức 5.100 USD/tấn. Ngược lại, giá xuất khẩu hạt tiêu trắng giảm 1,1% so với ngày 30/6/2021, xuống còn 6.725 USD/tấn.
Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 7,2% và 5,7% so với ngày 30/6/2021, xuống mức 3.800 USD/tấn và 3.900 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 0,5% so với ngày 30/6/2021, xuống mức 5.800 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tại cảng Kochi giảm 0,3% so với ngày 30/6/2021, xuống 5.606 USD/tấn. Dự báo thị trường hạt tiêu thế giới sẽ diễn ra sôi động trong quý III/2021 do nhu cầu dự báo tăng sau khi Hoa Kỳ và các nước châu Âu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Giá hạt tiêu giữ ở mức cao do nguồn cung từ Bra-xin, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam giảm.
Dung lượng thị trường nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021 và thị phần của Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 35,63 nghìn tấn, trị giá 117,83 triệu USD, giảm 16,4% về lượng, nhưng tăng 42,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt mức 3.307 USD/ tấn, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ tăng từ hầu hết các thị trường cung cấp.
Cơ cấu thị trường cung cấp hạt tiêu cho Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021 có sự chuyển dịch. Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Việt Nam, Bra-xin, nhưng tăng từ In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 23 nghìn tấn, trị giá 72,84 triệu USD, giảm 18,1% về lượng, nhưng tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 65,84% trong 5 tháng đầu năm 2020 xuống 64,48% trong 5 tháng đầu năm 2021.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hạt tiêu khá ổn định. Trên thực tế, thị trường Hoa Kỳ luôn nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam với điều kiện CNF - người bán sẽ trả tiền vận chuyển, với tất cả rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp Việt Nam chịu. Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì gặp khó khăn trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương