Than là nguồn ô nhiễm chính trên trái đất

Theo tài liệu Trung tâm Con người và thiên nhiên công bố tại cuộc hội thảo diễn ra chiều 10/8, than làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước. Các nhà máy than chiếm khoảng 8% tổng nhu cầu nước toàn thế giới. 

Cơn khát của ngành than được đặc biệt quan tâm khi một số quốc gia khi sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc đang đối mặt với việc thiếu nước trong ngành công nghiệp. Và than là nguồn ô nhiễm chính trên trái đất. 

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Viện Năng lượng, thiệt hại từ các chất gây hiệu ứng nhà kính đã lên tới gần 10 tỷ USD vào năm 2030 nếu không có các biện pháp can thiệp. Quá trình khai thác than cũng như sử dụng than tại nhà máy nhiệt điện cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái, đặc biệt phát thải khí nhà kính nhiều nhất. 

Theo số liệu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, năm 2010, tổng phát thải nhà kính là 246 triệu tấn CO2, trong đó, nhiệt điện than chiếm tới 41 triệu tấn, chiếm 20%. Tới năm 2030, tổng phát thải dự kiến tăng tới 515 triệu tấn CO2, trong đó 90% từ các nhà máy nhiệt điện than. 

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, sự cố ở Quảng Ninh vừa rồi vượt qua những tính toán, dự phòng từ trước, đặc biệt là tần suất và lưu lượng mưa quá lớn đã gây ra những thảm họa về mặt kinh tế; đặc biệt về mặt môi trường. Và đây cũng là một trong những minh chứng của việc khai thác than tác động đến sự biến đổi khí hậu hoặc là ngược lại. 

Bất cập lồng ghép quy hoạch than

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, than có vai trò quan trọng trong phát triển ngành năng lượng. Đây là nguồn khai thác không thể đừng, đặc biệt với nước đang phát triển như Việt Nam. 

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhấn mạnh: "Việc khai thác than để phát triển nguồn năng lượng đang phải có sự đánh đổi với việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống. Tuy nhiên, cần phải có sự cân bằng để giảm thiểu những rủi ro. Không có cách nào không khai thác than, nhưng cần phải đi kèm với phát triển xanh".

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Trọng Hưng - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nhận định, lợi ích từ than đóng góp rất quan trọng cho phát triển kinh tế, đồng thời kéo theo phát triển các ngành xi măng, sắt, thép. Thế nhưng, việc khai thác than và than cho điện điện đang có vấn đề là các ngành, tỉnh, huyện đều làm quy hoạch nhưng không lồng ghép được với nhau. "Ở Quảng Ninh, có sự xung đột giữa ngành và địa phương (quy hoạch than do Vinacomin thực hiện nhưng quản lý dân cư thì tỉnh làm) dẫn đến xung đột về chi phí lợi ích"- Ô Hưng phân tích. 

Do đó, để khắc phục những rủi ro do ngành điện than gây ra, ông Hưng đề xuất, các bên liên quan cần có sự hợp tác như quản lý môi trường từ trung ương địa phương; từ lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư đến cộng đồng,...

Huyền Thương