Sản xuất sợi là điểm yếu nhất của ngành dệt may

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào tối ngày 5/10 vừa qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Việt Nam vào TPP, dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi vì Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng quần áo dệt may và da giầy sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật.

Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi đang là vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi.

Trao đổi tại buổi tọa đàm và Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "TPP trong mắt doanh nghiệp Việt" diễn ra sáng nay 12/10 do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư  - Bizlive tổ chức, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm khẳng định sản xuất vải sợi hiện nay là điểm yếu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Thực tế, ngành dệt may Việt Nam chỉ tham gia vào chuỗi giá trị này ở giai đoạn giữa. Giai đoạn đầu và giai đoạn cuối đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Trong khi đó, để đầu tư vào ngành sợi đòi hỏi một lượng vốn rất lớn và công nghệ cao. Ngoài ra, vấn đề xử lý nước thải cũng rất khó khăn. Nếu một doanh nghiệp đầu tư 20 triệu USD vào máy móc, công nghệ dệt sợi phải mất một khoản tiền tương đương để xử lý vấn đề môi trường.

"Đây là vấn đề nhức nhối chung của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì để được hưởng đầy đủ các ưu đãi từ thì chúng ta phải có một hệ thống chuỗi giá trị và công nghiệp phụ trợ đầy đủ", ông Trịnh khẳng định.

Ông Trịnh cũng cho hay, thị trường xuất khẩu chính hiện nay của May Hồ Gươm là Mỹ (55%) và Châu Âu (khoảng 35%).  Tỷ lệ nội địa hóa của May Hồ Gươm khoảng 30% - 40 %, chủ yếu là như nhân công, một số các phụ liệu cơ bản như chỉ thùng, túi, hạt chống ẩm, một số nhãn mác, thẻ bài...

"Hồ Gươm cũng giống như các doanh nghiệp dệt may khác đang loay hoay trong vấn đề tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP để được hưởng đầy đủ các ưu đãi từ TPP. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nhà cung cấp vải nội địa hoặc các nước thành viên TPP là rất khó ", ông Trịnh nói.

Đánh giá về nhiều dự án FDI tập trung vào ngành dệt may, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, ông Trịnh cho rằng đây là điều đáng lo ngại. Vì doanh nghiệp ngoại sẽ có lợi thế về vốn, về đơn hàng, về thị trường nên sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành dược lo mất miếng bánh thị phần

Theo các chuyên gia trong ngành, việc tham gia hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2,5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Lập, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Dược Tín Đức Hà Nội cho hay, doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay vừa nhỏ, vừa yếu lại không có sự gắn kết với nhau. Trong khi đó, việc đấu thầu thuốc công khai sẽ giúp các doanh nghiệp dược nước ngoài lấn sân và chiếm một thị phần lớn trong việc cung ứng thuốc tại Việt Nam.  Bởi họ là những Tập đoàn, hãng dược đa quốc gia có thế mạnh về vốn, về khoa học kỹ thuật, về trình độ marketing và kinh doanh, đặc biệt có trong tay những bằng sang chế được bảo hộ độc quyền.

"Nếu không có chế tài đặc biệt dẫn đến các doanh nghiệp dược Việt Nam chỉ còn biết cạnh trạnh với nhau trên phần nhỏ còn lại để tồn tại. Đây chính là vấn đề hàng đầu đang được quan tâm trong ngành dược chúng tôi hiện nay", ông Lập khẳng định.

Kiều Linh