ông TRẦN TUẤN ANH - Bộ trưởng bộ Công Thương : Đột phá lớn từ CP TPP
Bộ trưởng Công Thương TRẦN TUẤN ANH khẳng định: Đây có thể coi là một đột phá lớn của hiệp định TPP cũng như thương mại tự do khu vực bởi việc thực hiện hiệp định có thể định hướng nhiều quá trình tự do hoá kinh tế sau này. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các Bộ trưởng đã họp Hội nghị Bộ trưởng TPP về việc thảo luận sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong bối cảnh tình hình mới. Trên cơ sở các kết quả của các buổi đàm phán, các bộ trưởng đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt CPTPP).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi: CPTPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao, có sự cân bằng tổng thể và bảo đảm tính toàn vẹn của TPP nhưng có tính tới trình độ phát triển của các nước thành viên.
- Vậy ông có thể cho biết những khó khăn khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP?
Có thể nói Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia Hiệp định này. Vì vậy khi Hoa Kỳ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy.
Tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các Bộ trưởng TPP đều hướng đến và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP.
Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình thì trong tất cả các vòng đàm phán trong thời gian vừa qua, các Trưởng đoàn đàm phán (theo chỉ đạo của các Bộ trưởng) đã có những cách tiếp cận rất thực tiễn nhưng làm sao vẫn duy trì được một Hiệp định chất lượng cao, vẫn đảm bảo được mục tiêu ban đầu. Mặt khác, có thêm quan điểm thực tiễn hơn để đảm bảo tính thực thi của 11 quốc gia. Bốn vòng đàm phán của cấp trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này, nhưng tuy nhiên với quan điểm xây dựng của các bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp chúng tôi đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới.
Vấn đề tiếp theo là còn một số yêu cầu cần cụ thể hóa trước khi có thể ký kết chính thức những điểm liên quan đến các nội dung có thể xem xét tạm hoãn, cơ chế, phương thức để tạm hoãn thì các cấp Trưởng đoàn đàm phán sẽ đàm phán cụ thể và cũng cần thời gian để đảm bảo lợi ích hài hòa và có được sự đồng thuận như trong Hội nghị Bộ trưởng TPP 11. Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua, và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi tin tưởng vào tương lai như vậy.
- Nhưng vì sao phải đổi tên CPTPP và sự khác nhau giữa CPTPP và TPP, thưa ông?
Đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP12) với Hiệp định có 11 thành viên (TPP11), mà vấn đề chúng tôi đã thảo luận và thống nhất một quan điểm rất được đánh giá cao của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế…
Mặc dù trong bối cảnh mới có một quốc gia rút ra khỏi Hiệp định TPP này nhưng tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn của mình tiếp tục con đường này. Chính vì vậy tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các Bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP.
- Vậy vướng mắc lớn nhất của Việt Nam là gì khi đàm phán TPP, thưa ông?
Khó khăn chung của các nướclà phải tìm ra điểm cân bằng mới cho việc duy trì Hiệp định TPP 11. Vì vậy, quá trình đàm phán của các quốc gia đều phản ánh quá trình tham vấn, xây dựng chính sách của mỗi quốc gia trong quá trình đàm phán để đảm bảo mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia.
Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác đều có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể trong việc cải cách mở cửa, thực hiện hội nhập… trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP 11, đồng thời đóng góp cho TPP 11 đạt được sự đồng thuận chung để đưa vào thực thi. Việt Nam với tư cách đồng chủ trì cùng Nhật Bản đã có khó khăn nhất định trong duy trì thảo luận, trao đổi cởi mở, nhưng trên tinh thần xây dựng của các quốc gia thành viên để tìm ra được điểm cân bằng chung.
Tuy vậy, với vai trò là đồng chủ trì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình để đạt được thỏa thuận Bộ trưởng TPP về những nguyên tắc cơ bản nhất và những yếu tố cơ bản nhất của CPTPP và những phần việc còn lại cũng đã có hướng để triển khai trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
TS Võ Trí Thành - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC): Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh
- Dù không phải là chương trình chính của Diễn đàn APEC lần này nhưng thỏa thuận CP TPP (TPP- 11) đã được thông qua. Quan điểm của ông về sự kiện này?
Bogor được thông qua từ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 vào năm 1994, xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư vào năm 2010 đổi với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đây là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt nhất của APEC, vì vậy CT TPP mặc dù là hội nghị bên lề, nhưng góp phần vào cái tiến trình thúc đẩy hội nhập liên kết theo tinh thần tự do hóa thương mại, đầu tư và với chất lượng cao. Rõ ràng, điều đó góp phần cho tiến trình mà APEC đang coi nó như mục tiêu chủ yếu và nó càng có ý nghĩa trong bối cảnh là nhìn về toàn cầu hóa, hội nhập, tự do hóa thương mại, đầu tư đang có sự khác biệt.
Thứ hai, hiệp định này gồm 11 nước là thành viên của APEC, cho nên trong một nghĩa nào đó cũng là cái nhìn, quan điểm của nhiều nước hướng tới mục tiêu cơ bản của APEC đó là tự do thương mại đầu tư.
- Ông đánh giá ra sao về vai trò của Việt Nam khi thỏa thuận được thông qua?
Theo tôi, Việt Nam có 3 vai trò lớn trong đi đến thỏa thuận:
Thứ nhất, Việt Nam với tư cách là một thành viên TPP và thể hiện được chính sách đi theo tinh thần là duy trì giá trị , ý nghĩa TPP cũng như cùng với các thành viên trong nhóm 11 nỗ lực hiện thực hóa TPP.
Thứ hai, Việt Nam không chỉ là thành viên mà đi sâu mà còn là thành viên có trình độ phát triển ở mức so sánh thấp hơn các thành viên khác trong TPP, nhưng vẫn là một thành viên có trách nhiệm, tích cực và theo tinh thần là hội nhập; thúc đẩy hội nhập, liên kết khu vực vì sự phát triển chung của mình và khu vực.
Thứ ba, năm nay Việt Nam là nước chủ nhà APEC 2017, chính vì vậy thành công của CP TPP đóng góp ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việt Nam đã giữ được vai trò cân bằng các bên liên quan cũng như đảm bảo rằng TPP 11 phải đạt được thỏa thuận.
- TPP- 11 là thành công chung, cũng là thách thức cho các nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phù hợp với bối cảnh mới này?
CP TPP có tác động quan trọng lên thương mại, đầu tư, kinh tế của các nước thành viên.
Đáng nói, TPP và CP TPP gắn chặt với cải cách thể chế trong các quốc gia, cải cách thể chế cũng là một trong những động lực để thúc đẩy, đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững.
Đây là Hiệp định chất lượng cao, nên câu chuyện “hậu” ký kết CP TPP cũng là điều đáng quan tâm. Bởi dù Hiệp định này mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam về thương mại, đầu tư... nhưng điều đó cũng đòi hỏi Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh.
Nói đến APEC là nói đến tự do hóa thương mại đầu tư, APEC là vườn ươm cho những ý tưởng về phát triển, kinh doanh. Vì vậy, xét cho đến cùng thì CP TPP có nghĩa là kinh doanh và vì vậy, câu chuyện phải bắt nguồn từ cải cách thể chế với ý tưởng lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn:Enternews.vn