Theo tin từ Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương, Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên (VN - EAEU FTA, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3 năm 2013, qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29 tháng 5 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai Bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và Hiệp định VN-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016.

Sau khi VN – EAEU FTA có hiệu lực, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi Hiệp định.

Việt Nam đã ký với Nga và Belarus nghị định thư về ô tô, theo đó với Nga hai bên đã thỏa thuận phía Nga có thể thành lập liên doanh sản xuất vận tải có động cơ tại Việt Nam nhưng phần vốn do các DN Việt Nam đóng góp trong liên doanh phải đạt ít nhất 50% vốn pháp định của các liên doanh, tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2020 với xe tải là 30%, xe thể taho đa dụng (SUV) 30%, xe chuyên dụng 20% và xe vận tải từ 10 chỗ trở lên 35%, tỷ lệ này sẽ tăng lên đến năm 2025 ở mức 40-50%. Việc miễn thuế nhập khẩu với các phương tiện vận tải có động cơ theo hạn ngạch thuế quan, theo đó năm 2016 là 800 chiếc, năm 2017 là 850 chiếc và 2018 là 900 chiếc. Khi lượng hạn ngạch Khối lượng hạn ngạch được cấp năm sau sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa của (các) liên doanh nêu trong (các) kế hoạch thực hiện dự kiến của mình, nếu sử dụng ít hơn 50% lượng hạn ngạch thì hạn ngạch cấp cho năm sau sẽ bị giảm 50%.

Về phía Việt Nam, có hơn 4.500 mặt hàng nhập khẩu từ liên minh kinh tế Á ÂU được cắt bỏ thuế quan ngay lập tức, như cá hồi (thuế suất 10%), cá rô phi, cá da trơn (thuế suất 20%), cá ngừ (thuế suất từ 15-20%). Với mặt hàng gạo, các Thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo có xuất xứ tại Việt Nam.

Việt Nam vẫn khá rụt rè với các mặt hàng về xì gà, theo đó thuế suất nhập khẩu xì gà vẫn giữ ở mức 100% đến năm 2021, và giảm xuống 50% kể từ năm 2022, các loại xe ô tô hiện nay chịu mức thuế suất 74% như xe chơi gôn, xe ô tô đua nhỏ, xe ô tô có nội thất thiết kế (motor homes) chịu thuế 74% sẽ có lộ trình giảm xuống 60,5% trong năm 2016, xuống 33,6% năm 2020 và về 0% vào năm 2025. Lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan không áp dụng với ô tô cũ.

Xem lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam

Về phía liên minh kinh tế Á – Âu, các bên đã thỏa thuận lộ trình cắt giảm thuế quan với 6.270 mặt hàng từ Việt namtrong đó sản phẩm sữa và kem không cô đặc, chưa pha thêm đường và chất ngọt sẽ giảm từ 15% về 0% ngay lập tức, trong khi sữa và kem ở thể rắn sẽ giảm từ 20% xuống 16,4% trong năm đầu tiên và giảm dần xuống 0% vào năm 2025.

Các loại pho mát, chaddar cũng có lộ trình giảm thuế từ 15% xuống 12,5% năm 2016, đến năm 2020 còn 6,8% và năm 2025 còn 0%.

Các loại hạt óc chó, hạt dẻ tươi, hạnh nhân, hạt macadamia, dầu lạc, dầu oliu thuế suất 5% giảm ngay về 0%.

Các loại lúa mỳ, bột lúa mạch, gạo lứt giảm từ 10% xuống 6,7% trong năm 2016, và về 0% năm 2020.

Các loại thịt gà tây, thịt mông đùi (ham) của lợn, thịt vai của lợn giảm thuế từ 20% về 0% ngay lập tức, các thịt giữa thịt và giăm bông, thịt vai, cổ giảm từ 25% theo lộ trình xuống 20,5% năm 2016 và 11,4% năm 2020.

Các loại trứng cá tầm muối, tôm hùm giảm thuế từ 20% xuống 0% ngay lập tức.

Về công nghiệp, các loại quặng sắt, quặng đồng, quặng nhôm, niken, than đá,các sản phẩm sắt thép, xăng máy bay, quặng crom…có thuế suất 5% giảm ngay về 0%. Theo Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương, các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà ngược lại còn góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Lộ trình cắt giảm thuế của liên minh Á Âu

Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may, và da giày. Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.

Về tổng thể, các bên tham gia hiệp định dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm.

Nguồn: ndh.vn