Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đặt bút ký Hiệp định RCEP vào sáng ngày 15/11/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Cách đây ít phút, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến, chính thức kết thúc quá trình đàm phán 8 năm (cuối năm 2012). Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cơ quan đóng vai trò rất lớn trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định quan trọng này.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của RCEP đến nền kinh tế Việt Nam?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.
Thứ nhất, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP khoảng 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Thứ hai, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.
Thứ ba, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước. Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, chúng ta cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Cuối cùng, ý nghĩa quan trọng nhất là việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực do RCEP là liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn nhất mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt cho đến nay.
Hiệp định RCEP là sáng kiến đầu tiên do ASEAN đề xuất và được các nước đối tác ủng hộ.
Tuy nhiên, do bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp với sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng như chủ nghĩa đơn phương nên Hiệp định RCEP chưa thể kết thúc đàm phán sớm hơn. Kế thừa kết quả từ những năm trước, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thuyết phục được các nước đối tác tham gia đồng thuận chung.
Điều này cho thấy dù từng nước có quy mô kinh tế không lớn nhưng nếu đoàn kết và có tiếng nói chung thì vẫn có thể trở thành một động lực thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng năm 2020 là năm khó khăn cho Việt Nam với vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP, nhưng Việt Nam đã làm được. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Là quốc gia đi đầu trong các hiệp định FTA, Việt Nam đang phát huy được năng lực phát ngôn lớn hơn. Xin hỏi vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định này? Đặc biệt là vai trò của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2020 là năm khó khăn cho Việt Nam với vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP. Tuy nhiên, đến giờ phút này tôi có thể khẳng định, Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định RCEP ngày hôm nay.
Khó khăn thì rất nhiều, đặc biệt giai đoạn gần đây, xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nước khiến cho tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do đều gặp phải các vấn đề nhất định. Đồng thời, bối cảnh địa chính trị trong khu vực cũng có nhiều thay đổi, trong đó nổi bật là việc định hình lại quan hệ địa chính trị trong khu vực và giữa các nước lớn chưa diễn ra xong. Do vậy, đàm phán RCEP từ đầu năm cũng còn vướng mắc và khả năng ký kết còn bỏ ngỏ. Chưa kể đến dịch COVID-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP cũng như khiến các nước khó khăn hơn rất nhiều trong việc đưa ra thêm bất cứ cam kết nào trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 (HNCC RCEP 3) tháng 11/2019 tại Thái Lan, tất cả 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP đã nhất trí ra Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo về việc 15 nước (không bao gồm Ấn Độ) đã kết thúc đàm phán toàn bộ 20 Chương của Hiệp định và kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường. Tuyên bố ghi nhận việc Ấn Độ chưa giải quyết được một số vướng mắc và các nước sẽ phối hợp với Ấn Độ để xử lý nốt những vấn đề này theo hướng đáp ứng yêu cầu của tất cả các bên. Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở kết quả giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó Ấn Độ cho biết chưa thể tham gia Hiệp định RCEP.
Ngay từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã hết sức nỗ lực và chủ động thuyết phục sự đồng thuận trong ASEAN và thúc đẩy các nước đối tác, một mặt tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục Ấn Độ quay lại đàm phán Hiệp định RCEP, mặt khác vẫn thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại, nhằm thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020 theo chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo các nước RCEP.
Trên cơ sở đồng thuận của các nước ASEAN, chúng ta cũng đưa việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP thành một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020. Và ngày hôm nay, tại Hà Nội, Hiệp định RCEP đã chính thức được ký kết.
Theo đánh giá của quốc tế thì cho đến nay có hai cơ chế có thể trở thành thiết kế cho mô hình hợp tác của toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Thứ nhất là Hiệp định RCEP và thứ hai là Hiệp định CPTPP. Rất vinh dự cho Việt Nam là cả hai cơ chế này đều được quyết định trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và APEC. Có thể nói, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói của mình vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước.
Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Với việc được ký kết chính thức, Hiệp định RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Xin hỏi Bộ trưởng có lời khuyên nào với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hàng loạt cơ hội mở cửa thị trường đang ở trước mắt?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định FTA, ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các Hiệp định FTA mang lại.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Bên cạnh đó, theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định RCEP và các Hiệp định FTA sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Mặt khác, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Cảm ơn Bộ trưởng!