Theo thông tin từ UNCOMTRADE, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP là khoảng 29 tỉ USD (năm 2015), tập trung vào các nhóm hàng nông sản (11%), sản phẩm chế tạo (27%), máy móc và thiết bị (33%).
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào một số thị trường trong CPTPP là Nhật Bản (48,6%), Malaysia (12,3%) và Singapore (11,2%), và Australia (10%).
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Nhật (50,4%), Singapore (21,4%) và Australia (7,19%). Các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ CPTPP là máy móc và thiết bị vận tải (42,2%), hàng chế biến, chế tạo (18,1%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (10,1%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định cơ cấu xuất nhập khẩu cho thấy thực tế là Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác được 4/10 thị trường trong TPP. Đây cũng là những nước mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Hiện Việt Nam có hai hiệp định tự do thương mại với Nhật là Hiệp định đối tác kinh tế - VJEPA, và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- AJCEP.Tương tự, với Australia, Mayalsia, Singapore Việt Nam đều có hiệp định FTA trong khung khổ của ASEAN.
Các thị trường bên kia châu Mỹ hầu như chưa được Việt Nam khai thác. Hiện xuất khẩu sang các thị trường này là khoảng 4,8 tỉ USD, chiếm 16,6% trong kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP và 2,98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tương tự, nhập khẩu từ các thị trường này mới khoảng 1,2 tỉ USD, chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ CPTPP và 0,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Lí do của hạn chế tiếp cận với các thị trường này nằm ở khoảng cách địa lí, mức độ tương đồng trong xuất khẩu (liên quan đến mức độ cạnh tranh trực tiếp) giữa Việt Nam với các nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay phân tích về một số chỉ số thương mại cho thấy Việt Nam cần phải có những thay đổi nhanh về tiếp cận những thị trường trong CPTPP. Chỉ số lợi thế cạnh tranh (RCA) của hàng Việt Nam với các nước CPTPP nhìn chung đang giảm nhanh, điểm số từ 1,48 năm 2006 xuống còn 1,1 năm 2016 (một số ngành có RCA cao hơn mức này và có xu hướng tăng như dệt may, thủy sản).
Đáng chú ý, chỉ số này chỉ tăng với hai thị trường là Nhật Bản và Singapore và giảm ở tất cả các thị trường còn lại. Quan trọng hơn, từ 2013 đến nay, chỉ số bổ sung thương mại (cho biết hàng hóa xuất khẩu của hai nước có tính bổ sung nhau hay không) giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP đều giảm (từ 53 điểm xuống còn 50,7 điểm).
Bộ nhận định: "Điều này cho hàng hóa Việt Nam sẽ chịu mức độ cạnh tranh tăng dần ở các thị trường CPTPP. Vì vậy, việc cắt giảm thuế quan có ý nghĩa quan trọng giúp tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam, tăng khả năng xâm nhập và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu".
Bộ nhấn mạnh cần chú ý là mức thuế MFN trung bình với hàng Việt Nam tại các thị trường CPTPP đều khá thấp (Canada 2,9%; Peru 2,7%; Chile 6%, Mexico 8%). Vì vậy, việc giảm thuế trong CPTPP cũng không tạo thêm nhiều lợi ích cho xuất khẩu trừ khi đi kèm với các cải thiện khác về phi thuế quan và cải thiện năng lực canh tranh từ chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng