I. Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Úc
Việc sản xuất thanh long phải được định hướng theo tiêu chuẩn GAP, trong đó, chú trọng đến chất lượng không chạy theo số lượng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu; triển khai thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở sơ chế, chế biến thanh long theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm; tuyệt đối không lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên sản phẩm thanh long.
II. Đa dạng hóa sản phẩm
Ngoài thanh long ruột trắng, trên thị trường hiện nay còn một số giống thanh long khác như giống thanh long ruột đỏ và giống thanh long ruột tím hồng. Việc chuyển đổi giống cây trồng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường đồng thời giảm áp lực cạnh tranh cho sản phẩm thanh long ruột trắng truyền thống.
Đặc biệt giống thanh long ruột tím hồng với những ưu thế đặc trưng là thời gian bảo quản lâu, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có khả năng kháng bệnh cao hứa hẹn một tương lai mới đầy tiềm năng cho ngành sản xuất thanh long ở nước ta. Ngoài ra, giống này được bảo hộ với lợi thế kinh doanh độc quyền sẽ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến phương đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long nhằm làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi đồng thời có chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn đối với các doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái thanh long để doanh nghiệp hoạt động ổn định; tiến tới mở rộng quy mô và nâng cao công suất chế biến các sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
III. Xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá thanh long Việt Nam tại thị trường Úc
Để chuẩn bị cho thanh long của Việt Nam nhanh chóng đi vào thị trường Úc ngay sau khi được cấp phép, cần xây dựng một bộ thông tin chuẩn về thanh long Việt Nam, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc để quảng bá. Đồng thời, trên cơ sở bộ thông tin chuẩn nói trên, thiết kế và in ấn tờ rơi phát cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ Á đông và các siêu thị lớn của Úc tại các thành phố lớn.
Việc xây dựng phim ngắn để quảng bá trên một số kênh thông tin, tuyền truyền cũng hết sức cần thiết.
IV. Vận động kiều bào hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại thanh long tại thị trường Úc
Hiện nay, ở Úc có hơn 300.000 Việt kiều, chưa kể cán bộ, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang làm việc và học tập. Trong số các doanh nhân Việt kiều, nhiều người là chủ các nhà hàng, siêu thị và kinh doanh rất thành công trên nước Úc. Nếu như chúng ta phối hợp với Hội doanh nhân Việt kiều Úc châu tổ chức vận động các doanh nghiệp Việt kiều “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm trước mắt là vận động các doanh nghiệp Việt kiều đưa thanh long Việt Nam tiêu thụ trong cộng đồng người Việt và người Á đông tại Úc, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Úc nói chung. Hoạt động này đã được thực hiện khá thành công đối với trái vải trong năm đầu tiên và trái xoài trong năm thứ hai xuất khẩu sang Úc.
Nguồn: vietnamtradeoffice.net