Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Algeria, chiều 13/7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Algeria 2022.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh Algeria là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và có nền kinh tế lớn thứ 4 châu lục này. Dân số Algeria trên 45 triệu người và thu nhập trung bình là 3.364 USD vào năm 2021.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Algeria năm 2022 ở mức 2,4% thay vì 1,9% như dự báo trước đó. Đặc biệt, đây là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực châu Phi, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam.
Cụ thể như càphê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt do nhu cầu và sức mua lớn từ thị trường này do không sản xuất được.
Ông Hoàng Minh Chiến cho biết thêm, những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Nguyên do thị trường này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước ta như càphê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt… là những sản phẩm mà nước này không sản xuất được.
Dù là thị trường đầy tiềm năng nhưng thương mại song phương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn. Trong cơ cấu xuất khẩu sang Algeria, càphê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu và đây là thị trường còn nhiều dư địa cho càphê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%.
Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân. Thủy hải sản cũng nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.
Cũng theo ông Hoàng Minh Chiến, thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của hai bên. Năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria chỉ đạt 153 triệu USD.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 71, 16 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là thuỷ sản, càphê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hoá chất, một số kim loại thường và sản phẩm từ kim loại.
Do đó, hội nghị giao thương trực tuyến lần này sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội và tận dụng hiệu quả năng lực cung ứng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và Algeria.
Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria chia sẻ, Việt Nam hiện có 820.000 công ty; trong đó tư nhân chiếm 96% và công ty nhà nước là 0,4%.
Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao với ngoại thương chiếm 200% GDP của cả nước. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Đại dương và châu Phi.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Algeria duy trì quan hệ trên nhiều lĩnh vực suốt 60 năm qua và tiếp tục được củng cố khi trao đổi các đoàn cấp cao giữa 2 nước được mở rộng.
Cùng đó, Việt Nam và Algeria đã ký nhiều hiệp định quan trọng như hiệp định song phương, hiệp định vận tải hàng hải, hiệp định xúc tiến thương mại, hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao…
Hiện tại, Việt Nam và Algeria đã tổ chức được 11 phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ. Cuộc họp lần thứ 11 được tổ chức vào năm 2017 và dự kiến quý 4 năm nay sẽ tổ chức phiên họp lần thứ 12.
Liên quan đến hợp tác đầu tư, đã có liên doanh giữa Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Vietnam) với Công ty PTT của Thái Lan và Tập đoàn Sonatrach. Đây là biểu tượng của sự hợp tác giữa Việt Nam và Algeria.
Sau 12 năm thực hiện, dự án khai thác dầu mỏ Việt Nam-Algeria khai thác mỏ Bir Seba đã cho thùng dầu đầu tiên vào tháng 8/2015 và công suất hiện tại là 20.000 thùng dầu mỗi ngày. Ngoài ra, một công ty khác của Việt Nam cũng quan tâm tới chế biến càphê tại Algeria.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn trong hợp tác phát triển kinh tế song phương bởi khoảng cách địa lý giữa 2 nước xa với hơn 10.000km, chi phí vận chuyển cao, thời gian dài từ 45 ngày đến 2 tháng với đường biển.
Hơn nữa, thuế hải quan ở Algeria cao, tổng cộng 83% và các nhà đầu tư Algeria ít quan tâm tới thị trường Việt Nam do thiếu thông tin.
Đặc biệt, công ty hai nước chủ yếu sử dụng phương thức xuất khẩu qua công ty trung gian và cuối cùng là rào cản ngôn ngữ, doanh nghiệp Algeria chủ yếu sử dụng tiếng Pháp, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiếng Anh.
Do đó, ông Hoàng Đức Nhuận cho rằng Chính phủ hai nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, thành lập hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Algeria, kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và ủy ban hỗn hợp 2 nước.
Mặt khác, hai bên cần tăng cường nhận thức cộng đồng về tiềm năng hợp tác thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại… giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác tin cậy, vượt qua các trở ngại.
Ông Hoàng Đức Nhuận khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường liên hệ với các cơ quan ngoại giao, bộ ngành, tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, ưu tiên tiếp xúc và giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Algeria, quan tâm tới tập quán và quy tắc giao dịch thương mại, thiết lập mối quan hệ đối tác liên kết và đầu tư./.

Nguồn: Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)