Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là thời điểm truy cứu trách nhiệm của ai mà cần nghiêm túc tìm ra nguyên nhân để đưa ra các giải pháp đồng bộ, dài hơi nhằm bình ổn ngành chăn nuôi nói chung và thị trường thịt heo nói riêng.
Vẫn là câu chuyện nguồn cung
Mặc dù từ đầu tháng 4, 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi heo lớn đã giảm giá xuống 70.000 đồng/kg nhưng giá heo hơi trên thị trường không hề giảm. Ngày 20/4, giá heo hơi tại khu vực miền Nam đạt mức 80.000 - 87.000 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá heo hơi tăng cao nhất với 87.000 đồng/kg; Đồng Nai 86.000 đồng/kg; Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu 82.000- 85.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Bản, chủ trại heo ở TP. Bà Rịa cho biết, mặc dù giá heo hơn đang ở mức cao nhưng giá thành chăn nuôi cũng tăng theo, nhất là heo giống và cám. Theo ông Bản, vào đầu năm 2019, giá heo giống loại 7- 8 kg/con giá chỉ từ 1-1,2 triệu đồng/con, hiện nay giá đã tăng lên 2,4 - 2,5 triệu đồng/con. Như vậy so với khi chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi, giá heo giống đã tăng hơn gấp đôi, đã vậy còn khan hiếm nguồn cung.
Bà Huỳnh Thị Tâm, chủ trại chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình ở TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho hay, ở khu vực TP. Long Khánh, huyện Xuân Lộc, huyện Trảng Bom, ngoại trừ các trang trại chăn nuôi heo gia công cho các công ty lớn, có đến 90% các trang trại nhỏ, hộ gia đình chuồng trại đang bỏ trống. “Do dịch bệnh lắng xuống, gia đình mới rồi liều thả 100 con heo giống loại 7-8 kg/con, giá 2,4 triệu đồng/con. Heo con mùa này khan hiếm và giá cao dù muốn mua thêm vẫn khó tìm vì nguồn cung giảm mạnh”, bà Tâm nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng, chủ trại nuôi heo gia công cho một công ty chăn nuôi có vốn FDI ở TP. Long Khánh, công suất nuôi của trại đạt 2.500 con heo thịt/lứa, do dịch tả heo châu Phi nên ngừng nuôi 6 tháng. Mới đây công ty cung cấp cho 1.500 con heo giống và khả năng lứa heo này số lượng chỉ có vậy, do nguồn cung heo giống bị giảm mạnh.
Giá heo giống lên cao đã đẩy giá thành chăn nuôi cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, vào thời điểm này, giá thành chăn nuôi của Công ty CP. Việt Nam là 53.900 đồng/kg, riêng các trang trại nhỏ, hộ gia đình ở khu vực miền Đông Nam bộ, nhờ lấy công làm lãi nên giá thành chăn nuôi thấp hơn các DN lớn, nhưng không dưới 50.000 đồng/ kg.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ trại heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai tính toán, với giá heo hơi 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi hộ gia đình có lợi nhuận 3 triệu đồng/con loại trọng lượng 100 kg, nếu giá heo hơi trên 80.000 đồng/kg, lợi nhuận người nuôi thu được khá hơn nhưng lại không có heo để bán.
Ngoài giá heo giống tăng mạnh, từ đầu năm đến nay, giá cám của các hãng sản xuất cũng nhích dần theo giá heo. Hiện tại giá cám bình quân 300.000- 400.000 đồng/bao loại 25 kg/bao. Đây cũng là lý do khiến cho giá heo hơi đội lên cao trong những ngày qua.
Đại diện một DN lớn đang bán giá heo hơi 70.000 đồng/kg ở Bà Rịa -Vũng Tàu khẳng định, 15 DN lớn hiện nay chỉ chiếm khoảng 35% thị phần, chưa đủ khả năng kiểm soát và điều tiết giá thịt heo trên thị trường. Mặt khác, nguồn cung heo ra thị trường vào thời điểm này của 15 DN lớn đã giảm mạnh, trong khi nguồn cung heo của các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất ít, đã tác động lên giá heo hơi từng ngày.
Chuỗi cung ứng có quá nhiều chủ thể tham gia
Tại các nước phát triển, chuỗi cung ứng thịt heo chỉ qua 2-3 chủ thể nhưng ở Việt Nam, miếng thịt heo từ cổng trang trại nuôi đến bàn ăn đã qua tay ít nhất 9 chủ thể. Chủ chăn nuôi, thương lái thu mua heo (cấp một), doanh nghiệp vận chuyển heo, lò mổ, thương lái mua thịt heo mảnh (cấp hai) từ lò mổ, tiểu thương bán sỉ (chợ đầu mối), công nhân bốc vác và vận chuyển thịt heo, doanh nghiệp thực phẩm (mua cung cấp cho các hàng quán) và tiểu thương bán lẻ.
Các chủ thể tham gia trong chuỗi cung ứng này mỗi người hưởng một phần lợi nhuận, lợi nhuận nhiều hay ít tuỳ vào công sức của mình. Tuy nhiên có những phần lợi nhuận chảy vào túi một số chủ thể nhiều hơn một số chủ thể khác, mặc dù công sức bỏ ra không mấy chênh lệch. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một công ty chuyên cung cấp thực phẩm ở quận 12, cho biết, giá thịt heo ba rọi ở chợ đầu mối Hóc Môn ngày 20/4 là 130.000 đồng/kg, khi mang đến chợ Thành Ông Năm, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn giá bán cho tiểu thương là 160.000 đồng/kg. Chỉ có khoảng cách 3 km, mỗi ký thịt heo ba rọi đã cõng thêm 30.000 đồng/kg.
Theo các DN chăn nuôi heo quy mô công nghiệp, giá vận chuyển heo hơi từ trang trại đến lò mổ hiện nay so với các loại hàng hoá khác đang thuộc vào loại cao nhất nước và phi lý. Ông Hồ Quốc Dũng, chuyên nghề vận chuyển heo từ trại chăn nuôi đến các lò mổ ở khu vực miền Đông Nam bộ cho biết, trong phạm vi dưới 100 km, giá vận chuyển heo hơi hiện nay không dưới 2.000 đồng/kg. Heo không giống như các loại hàng hoá thông thường, ngoài giờ giấc, trên đường vận chuyển nhà xe còn phải tốn thêm các khoản chi phí không tên khác.
Măc dù đang trong mùa dịch bệnh và Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kéo giảm giá bán nhưng giá thịt heo vẫn cao chính là do trong chuỗi cung ứng mỗi ký thịt heo đã chia năm sẻ bảy lợi nhuận. Chưa hết, các tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn cho rằng, ngoài hàng chục chủ thể cùng tham gia trong chuỗi cung ứng thịt heo, giá thịt heo đội cao như hiện nay còn do các loại thuế, phí như thuế doanh nghiệp, thuế kinh doanh, thuế chợ; phí giết mổ, phí môi trường, phí kiểm dịch thú y đều chưa được miễn giảm, trong khi dịch bệnh nhiều lĩnh vực kinh tế đã được miễn giảm thuế, phí.
Theo phân tích của Vụ Thị trường trong nước mới đây về giá thịt heo tăng cao, một con lợn hơi (tạm tính 100kg) sau khi giết mổ, bỏ đi các loại phụ phẩm chỉ thu được 55 % thịt, tương ứng 55 kg thịt lợn thành phẩm (gồm cả nạc và mỡ). Do đó, nếu giá lợn hơi là 70.000đ/kg, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm sẽ là 127.000 đ/kg. Như vậy cộng thêm các chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng thì giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ cao hơn mức 127.000 đồng/kg.
Như vậy có thể khẳng định, giá thịt heo cao là do thiếu nguồn cung, do chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế phí.
Giải pháp nào để bình ổn thị trường thịt heo
Theo các chuyên gia, thị trường thịt heo hiện nay biến động mạnh, khó kiểm soát là do tập quán chăn nuôi đa phần còn nhỏ lẻ, manh mún, quy trình cung ứng mỗi ký thịt heo từ trại chăn nuôi đến bàn ăn qua nhiều tầng nấc trung gian, hình thức thực hiện lạc hậu, chưa khoa học.
Theo các chuyên gia, để bình ổn thị trường thịt heo hiện nay, ba yếu tố cơ bản cần phải được thực hiện cùng lúc, đồng bộ. Trước mắt, tập trung tái đàn sớm để tăng nguồn cung, cùng với các DN lớn các chủ thể tham gia trong chuỗi cung ứng thịt heo cần chung tại giảm bớt một phần lợi nhuận. Về lâu dài, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung để tăng năng xuất, giảm rủi ro trong chăn nuôi và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng hiện đại. Xây dựng lò mổ công nghiệp hiện đại để thay thế các lò mổ thủ công và sớm hình thành sàn giao dịch heo; giảm bớt các tầng nấc trung gian. Thực hiện dự báo về nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng về thịt heo tương đối chính xác nhằm giúp DN, cơ sở chăn nuôi, người buôn bán tiên liệu được quy trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng có thể xem xét đưa mặt hàng thịt heo vào mặt hàng bình ổn giá nhằm tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm soát giá mặt hàng thịt heo. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh heo (lợn) thịt và thịt heo không rõ nguồn gốc; hạn chế tối đa việc thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.
Để thực hiện bình ổn giá heo, mới đây, TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng Đề án Sàn giao dịch heo với mức tiêu thụ 10.000 con heo/ngày, đạt 17.000 tỷ đồng/năm. Nguồn cung từ 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái, 12 nhà bán lẻ hiện đại, 100 thương nhân tại chợ đầu mối. Sàn giúp nhà sản xuất kết nối với thị trường, cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về hàng hóa; thúc đẩy hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tiêu thụ, ổn định giá thành, bình ổn thị trường và hướng tới xuất khẩu chính ngạch.