Việt Nam cung cấp trên 90% lượng cá tra toàn thế giới, sản lượng thu hoạch trên 1.116 ngàn tấn (2014) và 1.047 ngàn tấn (2015), giá trị xuất khẩu 1.786 tỉ USD (2014) và 1.55 tỉ (năm 2015). Cá tra chiếm 80% tỉ trọng sản xuất thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hiện nay, sản xuất cá tra tại Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi. Tại ĐBSCL, nửa đầu năm 2016 tổng sản lượng cá tra là 525 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng diện tích nuôi 3,2 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Về giá cá tra nguyên liệu, so với cùng kỳ năm trước, giá cá trung bình trong 6 tháng giảm từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Do giá cá tra lúc tăng, lúc giảm không ổn định nên người nuôi sản xuất cầm cự, diện tích nuôi bị thu hẹp.

Về tình hình xuất khẩu cá tra, 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu đạt 790,2 triệu USD, tăng 5,4% so với 2015, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trong đó Mỹ, Trung Quốc – Hồng Kông và Brazil là ba thị trường có giá trị tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ lần lượt là 17,7%; 66,7% và 41,1%. Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 40,5% xuất khẩu. Dự báo năm 2016, cá tra tiếp tục phải cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng, cá rô phi Trung Quốc tại nhiều thị trường chính nên xuất khẩu cá tra chỉ tăng 6%, đạt khoảng 1,65 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 5-6%/tháng, sang EU giảm 5 - 10%/tháng, Trung Quốc tiếp tục tăng mua.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề quan trọng như đánh giá diễn biến và nhu cầu cá tra tại các thị trường; thực trạng và giải pháp sản xuất và tiêu thụ cá tra; xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA); phân tích nhu cầu và định vị thị trường của ngành cá tra; chiến lược thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trên thị trường Châu Âu và một số giải pháp về thị trường cho ngành cá tra Việt Nam.

Từ đó, một số giải pháp để phát triển sản phẩm cá tra được đưa ra là cần hạ giá thành cá nuôi, sử dụng giống chất lượng cao, hợp tác để giảm chi phí trung gian, chi phí điện, vận chuyển; áp dụng và chứng nhận GAP theo yêu cầu thị trường; chủ động đáp ứng nhu cầu hội nhập, xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra, nhà nước cần đầu tư nguồn lực phát triển thị trường, quỹ xúc tiến thương mại…

Nguồn: Fistenet.gov.vn