Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, để xuất khẩu hạt điều sang các nước Bắc Âu, trước hết cần tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Trước hết, hạt điều là một sản phẩm thực phẩm, do vậy, cần tuân thủ Luật Thực phẩm chung châu Âu (EC) 178/2022, và các quy định chung về vệ sinh thực phẩm (EU) 2017/625.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, đây là vấn đề then chốt tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng. Nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm hạt điều phải tuân thủ các quy định của pháp luật châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những luật này nhằm đảm bảo chất lượng của thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tất cả các sản phẩm thực phẩm, bao gồm cả hạt điều, được bán ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) và Vương quốc Anh đều phải an toàn. Điều này cũng áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu. Chỉ cho phép các chất phụ gia được phê duyệt. Các sản phẩm thực phẩm phải tuân thủ mức tối đa đối với các chất gây ô nhiễm có hại, chẳng hạn như vi khuẩn, virus, dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng. Hơn nữa việc ghi nhãn phải nêu rõ thực phẩm có chứa chất gây dị ứng hay không.
Mặt khác, một số thực vật và sản phẩm thực vật vào EU phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là bắt buộc đối với việc nhập khẩu một số loại hạt điều vào EU từ các nước thứ ba, ngoài Thụy Sĩ. Điều này áp dụng cho hạt điều, nguyên hạt, tươi, còn vỏ, theo Quy định (EU) 2019/2072.
Trong trường hợp có chất phụ gia thì những chất phụ gia này phải được cơ quan an toàn châu Âu chấp thuận. Đồng thời, các chất phụ gia phải đáp ứng các thông số kỹ thuật được nêu trong Quy định (EU) số 231/2012. Danh sách các chất phụ gia thực phẩm được phê duyệt có thể tìm thấy trong Phụ lục II của Quy định (EC) số 1333/2008. Nhãn phải thể hiện rõ ràng cho người tiêu dùng biết sản phẩm có chứa hạt điều hay không vì chúng có thể gây dị ứng nghiêm trọng.
Ngoài ra, một biện pháp quan trọng trong việc kiểm soát các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến việc xác định các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) bằng cách thực hiện các nguyên tắc quản lý thực phẩm. Đặt các sản phẩm thực phẩm dưới sự kiểm soát chính thức là một biện pháp quan trọng khác. Các sản phẩm không được coi là an toàn sẽ bị từ chối vào châu Âu.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng lưu ý doanh nghiệp về các quy định về chất gây ô nhiễm thực phẩm; độc tố nấm mốc; dư lượng thuốc trừ sâu; kim loại nặng; ô nhiễm vi sinh
EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn của Việt Nam. Tính riêng năm 2023 thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường thế giới chiếm 53,44%.