Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về kết quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) sau gần 7 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho hay, CVĐ vẫn duy trì hiệu quả và sức lan tỏa khi hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại các kênh phân phối, cụ thể: 90% kênh siêu thị, 70 - 80% cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa và trên 60% tại chợ truyền thống...
Hàng Việt được đánh giá không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao mà rất nhiều mặt hàng đã khẳng định được vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại. Không chỉ hàng thực phẩm, nông sản có lợi thế do được sản xuất tại địa phương, ít chi phí vận chuyển so với hàng nhập ngoại, mà những mặt hàng tiêu dùng, quần áo, hàng điện tử cũng đã có những chính sách giá rất phù hợp, được người tiêu dùng lựa chọn. Các nhà bán lẻ lớn như Big C, Co.op mart… đã lựa chọn nhiều mặt hàng sản xuất trong nước làm nguồn cung chính cho hệ thống phân phối của mình. Đơn cử như tại hệ thống phân phối của Saigon Co.op, trong số 30.000 mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, đông lạnh, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc và đặc sản địa phương thì hàng Việt chiếm tới 98-99%. Tương tự, các dòng sản phẩm này tại hệ thống bán lẻ của siêu thị Big C, VinMart cũng chiếm đến trên 90%.
Đa dạng các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp
Để “tiếp sức” tiêu thụ hàng hóa, các kênh bán lẻ còn triển khai hàng loạt giải pháp xúc tiến tiêu thụ hàng Việt. Cụ thể, trong tháng 5 và 6/2016, hệ thống siêu thị Big C tổ chức triển khai chương trình “Hàng Việt trong tim người Việt” trên toàn quốc. Tại đây, hàng Việt được dành diện tích lớn để trưng bày, quảng bá thương hiệu và giảm giá mạnh từ 5-49%.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, hệ thống siêu thị Big C đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang nhằm linh hoạt kế hoạch phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải khi cần thiết. Dự kiến, số lượng vải tiêu thụ năm 2016 tại hệ thống này sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, ước đạt hơn 200 tấn.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 DN Việt Nam tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Các DN ký kết thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản như: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi… Theo đó, trong 1 năm (1/6/2016 - 1/6/2017), các DN này sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau, củ, quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Vingroup khuyến khích các nhà cung cấp giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao tỷ lệ hàng Việt, hạ giá thành sản phẩm, Saigon Co.op đã thường xuyên triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết từ vốn, công nghệ với các địa phương, nhà sản xuất trong nước để chủ động nguồn hàng, đặc biệt là nông sản. Các chương trình hợp tác của Saigon Co.op với các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã giúp xây dựng đầu ra ổn định cho hàng loạt sản phẩm như trái cây, gạo, thịt, trứng gia cầm… với giá bán ổn định và chất lượng đảm bảo.
Với nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng cao, cùng với hỗ trợ của các kênh phân phối, hàng Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực cũng như chiến lược dài hơi để không chỉ giữ vững vị thế mà còn phát triển mạnh ở thị trường nội địa.
Nguồn: Phương Lan/baocongthuong.com.vn