Sau chiến dịch phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long được triển khai trên diện rộng đã làm giảm mạnh diện tích nhiễm bệnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, bệnh hại xuất hiện, gây hại hàng năm nên việc phòng chống bệnh phải thường xuyên mới đạt hiệu quả cao.
Hiện đã có nhiều mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn với diện tích lớn tại các địa phương. Ngoài xuất khẩu trái thanh long tươi, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động đầu tư chế biến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hơn.
Tổng diện tích thanh long sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP đạt trên 13.000 ha, chiếm 34% tổng diện tích trồng thanh long cả nước. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho gần 3.300 ha thanh long.
Thanh long là một trong những cây ăn quả có giá trị, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, nông dân thường gặp khó khăn do dịch bệnh đốm nâu và một số bệnh gây hại khác.
Theo thống kê, tính đến tháng 8/2014, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu tại ba tỉnh trồng thanh long lớn nhất cả nước gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang là gần 16.350ha; trong đó, Bình Thuận có diện tích bị nhiễm bệnh nhiều nhất với 12.550 ha.
Trước tình hình này, cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chiến dịch phòng chống bệnh đốm nâu hại trên thanh long. Nhờ vậy tổng diện tích bệnh đốm nâu đã thu hẹp, tính đến ngày 7/10/2016 chỉ còn 5.830 ha.
Chiến dịch đã có ý nghĩa lớn trong việc phòng chống bệnh ở địa phương, nâng cao nhận thức của các hộ và nông dân trong vệ sinh đồng ruộng, thực hành các biện pháp canh tác để phòng chống bệnh.
Sau chiến dịch, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt rà soát quy hoạch trồng thanh long, hướng dẫn cải tạo các vườn thanh long già cỗi, bị bệnh nặng hoặc chuyển sang trồng cây khác có giá trị cao phục vụ xuất khẩu.
Các địa phương hạn chế thúc ra hoa liên tục để đảm bảo cây khỏe, tăng sức chống chịu bệnh hại; tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất thanh long an toàn, bền vững; có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất an toàn, bền vững cho nông dân, doanh nghiệp.
Cục Bảo vệ thực vật xây dựng tài liệu, tờ rơi hướng dẫn quy trình phòng chống bênh đốm nâu hại thanh long cho các địa phương.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục cấp mã số vùng trồng, xây dựng các mô hình liên kết, xác định mô hình có hiệu quả để khuyến cáo nhân rộng; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khác.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các đơn vị, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn và các dự án để hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất kết hợp phòng chống sâu bệnh hiệu quả; tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thanh long cho địa phương, nông dân áp dụng.
Nguồn: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
http://bnews.vn/khuyen-khich-san-xuat-thanh-long-an-toan/28134.html