Mặc dù Việt Nam và Nga đã có mối quan hệ lâu đời nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước lại chưa tương xứng. Vậy doanh nghiệp (DN) Việt phải làm thế nào để tận dụng được ưu đãi mà Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU mang lại khi xuất khẩu vào thị trường truyền thống này?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU) sẽ có hiệu lực từ 5/10/2016 và Nga là thị trường lớn nhất trong khối này. Hiện, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các DN Việt Nam.
Thị trường Nga được đánh giá là “rất hấp dẫn” với dân số 143,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 14.611 USD/năm, trong đó tầng lớp trung lưu ngày một phát triển (chiếm từ 10-25%), văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao. Nga được đánh giá là thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng về hàng hóa nhập khẩu, đồng thời là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, chè, rau, củ, quả tươi, sản phẩm đông lạnh, may mặc, nhựa, cao su, chất dẻo...
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ và tiêu dùng, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản, dệt may; giày dép các loại; hàng rau quả, cà phê, hạt điều và hạt tiêu… Ở chiều ngược lại, chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch nhập khẩu từ Nga, chủ yếu là những mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng thủy sản, than đá, cao su, các sản phẩm từ dầu mỏ, phôi thép, sắt thép thành phẩm và phân bón…
Ngay sau khi FTA Việt Nam-EAEU được thực thi, 90% dòng thuế của hai bên sẽ được tự do hóa, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương. Điều đáng lưu ý là những hàng hóa lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu vào Nga đều đạt được những điều kiện thuận lợi như thủy sản Việt Nam đã đạt được gần như 100% khối lượng các mặt hàng xuất đi được hưởng thuế suất bằng 0.
Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề lớn
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi từ việc cắt giảm thuế trong thời gian tới, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu được các DN đánh giá là “rất xa, vận chuyển chưa thuận lợi”.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), đơn vị phụ trách chính của việc đàm phán Hiệp định cũng cho rằng “khoảng cách là trở ngại rất đáng kể với các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga”.
“Trong khi hàng hóa từ Việt Nam sang Tây Âu chỉ mất 25-30 ngày thì hàng hóa sang Nga mất đến 80 ngày. Đây thật sự là khó khăn với các DN xuất khẩu, nhất là hàng nông sản. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với các DN xuất khẩu và cả DN nhập khẩu của cả hai phía và phát hiện ra vấn đề không hẳn nằm ở khoảng cách địa lý”, ông Hải nói.
Trước đây, từ những năm 2000, chúng ta đã có những chuyến tàu từ Việt Nam sang Nga chỉ mất có 18-30 ngày, vì thế vấn đề không hẳn là ở khoảng cách địa lý mà là ở luồng hàng hóa. Vậy nên, khi Hiệp định có hiệu lực, các DN xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang thị trường Nga thì sẽ có những nhà cung cấp logistics chất lượng tốt hơn, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể.
Bắt đầu từ những điều cơ bản nhất
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo từ Bộ Công Thương, việc tìm hiểu các quy tắc, luật lệ của các nước đối tác cũng quyết định không nhỏ đến sự thành bại trong xuất khẩu, bởi mỗi nước có những đặc điểm riêng, có hàng rào kỹ thuật riêng. Những rủi ro trong thanh toán từ các nước SNG nói chung đã giảm đi, nhưng vì nhiều lý do mà việc thanh toán bằng ngoại tệ như EUR, USD vẫn còn khó khăn…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Nga cho rằng, điều quan trọng nhất là DN Việt Nam cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhưng giá cả phải cạnh tranh.
Bà Olga - Biruikova, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Phát triển Á-Âu, Liên bang Nga khuyến nghị, cần nghiên cứu kỹ phong tục tập quán tiêu dùng để đưa tới hàng hóa phù hợp. Đặc biệt phải tìm hiểu rõ Luật Ngoại kiều của Nga nhằm tránh vi phạm luật. Cách tốt nhất là tìm kiếm và gắn kết với hệ thống các nhà phân phối và DN theo dạng B2B (DN tới DN) để tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa. Mức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân Nga bây giờ đã cao hơn, do vậy nhu cầu đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng cao hơn, nếu chỉ lo cạnh tranh về giá sẽ không ổn.
Còn ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, DN Việt Nam cần bắt đầu từ những việc đơn giản nhất đó là nghiên cứu nội dung Hiệp định được đăng trên website của Bộ Công Thương.
“DN cần chú ý đầu tiên vào danh mục cắt giảm thuế quan hàng hóa, tìm dòng thuế liên quan đến hàng hóa của đơn vị mình, xem hàng hóa được cắt giảm như thế nào, bao nhiêu phần trăm, lộ trình thế nào.
Sau đó DN tìm đến phần Quy tắc xuất xứ xem hàng hóa phải làm thế nào để đạt được những ưu đãi trong Hiệp định. Tiếp đến là DN xem đến phần kiểm tra chất lượng, hàng rào kỹ thuật, điều kiện hải quan để có thể tận dụng được hiệu quả tối đa. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẵn sàng có những buổi đào tạo cho các DN quan tâm đến việc xuất khẩu sang thị trường Nga”, ông Hải nói.
Nguồn: chinhphu.vn