Ông Philippe Varin, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị tập đoàn Areva (trị giá 2,5 tỉ EUR) chuyên về năng lượng hạt nhân và tái tạo, đặc phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Pháp - chuyên trách về quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á – ASEAN đồng thời là cựu Tổng giám đốc của tập đoàn xe hơi PSA Peugeot Citroën (trị giá 10,91 tỉ EUR), chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm phát triển thị trường quốc tế nói chung và Pháp nói riêng với các doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam.
Bên lề chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande tới Việt Nam (các ngày 5/9 - 7/9), các doanh nghiệp Pháp và cộng đồng Star-up Việt đã có những cuộc giao lưu tiếp xúc và trao đổi về những cơ hội đầu tư, phát triển thương mại giữa hai bên.
Hiện, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau các nước Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Cụ thể, trao đổi thương mại hai chiều đạt khoảng 4,2 tỷ USD (năm 2015), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Pháp đạt 2,9 tỷ USD (mặt hàng chủ yếu như đồ gia dụng, thủy sản, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử…). Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam từ Pháp đạt khoảng 1,3 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí-điện tử, hóa chất và đồ uống...).
Ngoài ra trong khối châu Âu, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam (sau các nước Hà Lan và Anh), với 461 dự án đầu tư có tổng số vốn đăng ký trên 3,4 tỷ USD, với các lĩnh vực thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo....
Do đó, với nền kinh tế đứng thứ sáu thế giới và một thị trường có quy mô 91 triệu dân như hiện nay thì cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại trong tương lại giữa Pháp và Việt Nam là rất tiềm năng.
Ông Philippe cho rằng, hiện cán cân thương mại hai chiều đang có lợi cho Việt Nam, do vậy thời gian tới các doanh nghiệp Việt nên ưu tiên và chú trọng tới xu hướng xuất khẩu sang Pháp, cụ thể như khai thác tại sản phẩm trong lĩnh vực nông lương.
“Theo tôi, điều quan trọng đối với các start-up Việt là các bạn cần thiết lập mối quan hệ với các tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp. Ấn tượng là hiện nay các tập đoàn lớn đang có xu hướng mở rộng hoạt động thông qua sự kết hợp với công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp mới thành lập.
Vì vậy, nhiều tổ chức kinh tế của Pháp đang rất tích cực kết nối với start-up Việt Nam với các tập đoàn lớn của Pháp. Đây sẽ là đòn bẩy tài chính cho các doanh nghiệp trẻ có thể phát triển và huy động vốn,” ông Philippe nói.
Ngày 6/9, đại diện Business France (cơ quan hành chính công có nhiệm vụ mở rộng các hoạt động kinh tế của Pháp tại thị trường nước ngoài) sẽ có cuộc tiếp xúc với các doanh nhân Việt Nam. Theo kế hoạch mỗi năm, Business France sẽ hỗ trợ khoảng trên 300 doanh nghiệp Pháp tại thị trường Việt Nam và về đầu tư cơ quan này có nhiệm vụ cung cấp thông tin về điều kiện thành lập pháp nhân tại Pháp, cập nhật những dự án mới và hỗ trợ các nhà đầu tư Việt trong quá trình phát triển hoạt động tại Pháp.
Ông Christian de Ruty, một doanh nhân Pháp sống và làm việc hơn 20 năm ở Việt Nam, người đồng sáng lập Tập đoàn Openasia (đầu tư đa ngành: máy móc công nghiệp nặng, mua bán máy bay trực thăng, phân phối hàng thời trang xa xỉ), chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân khởi nghiệp. Theo ông này, muốn thành công tiêu chí đầu tiên là các sart-up phải tạo ra được các sản phẩm mang tính khác biệt trên thị trường.
“Bên cạnh đó, điểm không thể thiếu trong kinh doanh đó là tiêu chí hiệu suất và hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí mở ra một doanh nghiệp mới tại Việt Nam đang có xu hướng ngày càng cao, đặc biệt chi phí mặt bằng, đất đai, bất động sản… là rất lớn. Như vậy, người khởi nghiệp cần xác định được những lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao để bù đắp những chi phí bỏ đắt đỏ bỏ ra ban đầu,” ông Christian nói.
Nguồn: Hạnh Nguyễn/Vietnamplus.vn