Tín hiệu tích cực
Mới đây, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đã có mặt tại hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (Pháp). Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
Cho tới nay, vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập khẩu vào Pháp nhưng đều qua kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác hoặc đưa vào Pháp từ các nước EU khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp. Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa "khai thông" quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào thị trường Pháp.
Cùng với trái vải, số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, quý I/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam, Hà Lan. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,70% trong quý I/2020, lên 63,35% quý I/2021. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, là cơ hội cho các nhà XK Việt Nam.
Xuất khẩu nông, thủy sản sang Pháp: Cần chiến lược bài bản
Hàng thủy sản có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Pháp
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pháp phần lớn là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến. Đối với nhóm hàng nông, thủy sản, kim ngạch XK mới chiếm tỷ trọng chưa đến 10% trên tổng kim ngạch XK sang Pháp. Trong đó, XK nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam và được ưa chuộng tại các thị trường EU như thủy sản, hạt điều hay cà phê mới chỉ đạt kim ngạch thấp dưới 100 triệu USD.
Trong thời gian qua, XK hàng hóa sang Pháp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cải thiện. Hiện, Pháp là thị trường XK rau, quả lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU và là một trong những thị trường tiêu thụ rau, quả nhiều nhất của EU.
Để sự hiện diện nhiều hơn của nông, thủy sản Việt tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Giá bán hợp lý cũng là một yếu tố để có thể đưa hàng hóa vào được chợ đầu mối Rungis hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm. Khâu vận chuyển là khó khăn chung đối với đa số các công ty XK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thuyết phục được nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, các nhà XK nông, thủy sản Việt Nam còn có được một lợi thế khác. Cụ thể, với mức thuế gần như bằng không, giá bán đến người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng chủng loại được nhập từ các nước khác, không có EVFTA.
Để chinh phục và đưa nhiều hơn nữa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp, việc đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối DN trong nước với nhà nhập khẩu đã được Thương vụ Việt Nam tại Pháp lên kế hoạch, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) triển khai.
Báo Công Thương