Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã mang lại những lợi thế không nhỏ cho tôm Việt Nam tại thị trường EU. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7/2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019, đó là thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Như vậy, sau khi liên tục giảm từ tháng 3 đến tháng 6 do dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 7 đã tăng trưởng trở lại. Sự tăng trưởng này đã kéo dài sang tháng 8. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu tôm sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính xuất khẩu tôm sang EU trong cả tháng 8 có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, EU hiện đang chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam, là thị trường lớn thứ 4 của tôm Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu tôm sang EU, trước hết là do các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm ở khu vực này đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Dịch bệnh tuy làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ tôm tại các dịch vụ vụ thực phẩm nhưng lại làm cho nhu cầu ăn uống ở nhà tăng lên, khiến cho tiêu thụ tôm tại các hệ thống bán lẻ ở EU đang tăng.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã mang lại những lợi thế không nhỏ cho tôm Việt Nam tại thị trường EU so với các nguồn cung hàng đầu khác.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh… từ Việt Nam nhập vào EU đã được giảm từ mức thuế GSP (hệ thống ưu đãi phổ cập) 4,2% về 0%.
Trong khi đó, mức thuế mà EU đang áp cho các sản phẩm nói trên của Ấn Độ và Indonesia là 12% với thuế cơ bản và 4,2% với thuế GSP; 12% thuế cơ bản với tôm Thái Lan và Ecuador (2 nước này không có thuế GSP).
Ở mặt hàng tôm chân trắng đông lạnh, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0%. Còn tôm chân trắng đông lạnh của Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador đang phải chịu thuế cơ bản 12%; tôm chân trắng đông lạnh Indonesia chịu thuế cơ bản 12% và thuế GSP 4,2%.
Với mặt hàng tôm he, tôm chì, thuế cũng đã về 0% ngay sau khi Hiệp định RVFTA có hiệu lực. Tôm he, tôm chì Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador vẫn đang chịu thuế cơ bản 12% khi xuất khẩu sang EU. Sản phẩm tương tự của Indonesia chịu thuế cơ bản 12% và thuế GSP 4,2%. Mặt hàng tôm nước sâu cũng tương tự như vậy…
Theo VASEP, với lợi thế về thuế nhập khẩu do Hiệp định EVFTA mang lại, tôm Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà nhập khẩu EU. Do đó, dự báo trong các tháng còn lại của năm nay, xuất khẩu tôm sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù mức tăng không cao vì thị trường vẫn bị tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Cũng do tác động từ dịch bệnh Covid-19, xu hướng tiêu dùng tôm của người châu Âu đang thay đổi.Theo đó, họ chú trọng nhiều hơn tới các sản phẩm tôm lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được sản xuất bền vững, có chứng nhận và truy xuất được nguồn gốc.
Trong thời gian tới, dự báo doanh số bán lẻ tôm ở EU, nhất là qua các kênh trực tuyến, tiếp tục tăng lên, khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ quan trọng như Giáng sinh, năm mới…