Kế hoạch 5 năm (2011-2015) đã đi qua hơn nửa chặng đường. Trong các chỉ tiêu của kế hoạch này, xuất khẩu là lĩnh vực sáng nhất với 10 điểm vượt trội, được nhận diện ở các góc độ khác nhau.

Điểm vượt trội thứ nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt khá xa so với chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Kế hoạch năm 2013 đề ra chỉ tiêu tăng 10%, tính ra kim ngạch tuyệt đối là 126 tỷ USD. Kế hoạch 5 năm đề ra chỉ tiêu tăng 12%/năm, tính ra kim ngạch tuyệt đối đến năm 2015 là 126,23 tỷ USD. Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2013 đạt trên 132,2 tỷ USD.

Điểm vượt trội thứ hai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người đạt trên 1.473 USD, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa so với kỷ lục đã đạt được vào năm trước (1.249 USD/người).

Điểm vượt trội thứ ba, tỷ lệ giữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2013 đã vượt qua mốc 77,5%, cao nhất từ trước đến nay và thuộc loại cao trên thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá cao.

Điểm vượt trội thứ tư, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khá cao (trên 15,4%). Đây là tốc độ tăng cao nhất trong các ngành, lĩnh vực, cao gấp rưỡi tốc độ tăng theo kế hoạch, cao gấp trên 2,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Xuất khẩu/GDP và tốc độ tăng xuất khẩu/tốc độ tăng GDP cao như trên đã chứng tỏ xuất khẩu là lối ra, là động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Điểm vượt trội thứ năm, “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng về số lượng thành viên, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu và thứ bậc của các mặt hàng có sự thay đổi.

Điểm vượt trội thứ sáu, cơ cấu xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng mặt hàng là nguyên liệu thô, hàng chưa qua chế biến, hoặc mới sơ chế (như gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn, than đá, dầu thô…) đã giảm xuống (từ 49,7% năm 2005 xuống 34,8% năm 2010, 2011 và tiếp tục giảm trong năm 2012, 2013). Tỷ trọng hàng chế biến, hoặc đã tinh chế (như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, máy móc…) tăng tương ứng (từ 50,3% năm 2005 lên 65,1% năm 2010 và có thể còn cao hơn nữa trong vài ba năm nay). Trong các mặt hàng chế biến, tỷ trọng một số mặt hàng có trình độ thiết bị, kỹ thuật - công nghệ cao như điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, máy ảnh, máy quay phim… tăng lên. Đây là tín hiệu sáng của cơ cấu sản xuất, xuất khẩu.

Điểm vượt trội thứ bảy, tất cả 63 tỉnh/thành phố đều có sản phẩm xuất khẩu. Trong đó, “câu lạc bộ” các địa bàn đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên có 23 thành viên. Đặc biệt, 2013 là năm đầu tiên Việt Nam có 2 địa bàn đạt kim ngạch trên 20 tỷ USD (TP.HCM và Bắc Ninh).

Điểm vượt trội thứ tám, cùng với việc mở rộng ra nhiều thị trường là việc tập trung phát triển các thị trường lớn. “Câu lạc bộ” thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2013 đã lên đến 27. Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Việt Nam có 3 thị trường đạt trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc), đặc biệt là Hoa Kỳ đạt trên 23,7 tỷ USD.

Điểm vượt trội thứ chín, nếu thời kỳ 2006 - 2010, mức nhập siêu bình quân lên đến 12,55 tỷ USD/năm, thì bình quân 3 năm 2011 - 2013 chỉ 3 tỷ USD/năm, chỉ bằng khoảng 1/4 mức bình quân trong 5 năm trước, trong đó, năm 2012 lần đầu tiên sau 20 năm đã xuất siêu và năm 2013 là năm thứ 2 xuất siêu liên tiếp. Trong năm 2013, đã có 15 thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, như Hoa Kỳ, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Campuchia, Hồng Kông, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Australia, Áo, Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Mức nhập siêu giảm mạnh đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát…

Điểm vượt trội thứ mười, xuất khẩu tăng cao như trên càng có ý nghĩa, khi đạt được trong điều kiện nhu cầu của nhiều nước còn bị “co lại”, trong điều kiện có nước đã sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước của họ bằng nhiều giải pháp, như kiện và đánh thuế chống bán phá giá, giảm giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu…

(Nguồn:Baodautu.vn)

Nguồn: Vinanet