Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vừa công bố danh sách cập nhật các doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu thuỷ sản bị Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm...

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ NN&PTNN (NAFIQAD) vừa công bố danh sách cập nhật các doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu thuỷ sản bị Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hoá chất, kháng sinh tính đến ngày 13/5/2013.

Theo đó, lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản (chủ yếu là tôm nuôi và sản phẩm chế biến từ tôm nuôi) của các doanh nghiệp trong danh sách nêu trên sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt và phải được các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm làm căn cứ để cơ quan Hải quan thông quan cho lô hàng xuất khẩu.

Đây là quy định thực hiện theo nội dung công văn số 1075/QLCL-CL1 ngày 12-7-2012 của NAFIQAD gửi Tổng Cục Hải quan.

Danh sách cụ thể 24 doanh nghiệp này bao gồm:

  1. Xí nghiệp Chế biến thuỷ sản Trọng Nhân - Công ty TNHH Thuỷ sản Trọng Nhân;

  2. Công ty TNHH Hoa Nam;

  3. Công ty CP Thực phẩm GN;

  4. Nhà máy đông lạnh - Công ty CP Quốc tế Lô - Gi - Stíc Hoàng Hà;

  5. Phân xưởng 1&3 - Công ty CP thuỷ sản Cửu Long;

  6. Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam;

  7. Xí nghiệp Đông lạnh Á Châu - Công ty TNHH XNK thực phẩm Á Châu;

  8. Xí nghiệp Đông lạnh Tân Long - Công ty CP thủy sản Sóc Trăng;

  9. Nhà máy Đông lạnh Mỹ Sơn - Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước;

  10. Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam;

  11. Công ty TNHH thủy sản Toàn Cầu;

  12. Xí nghiệp Đông lạnh An Phú - Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng;

  13. Chi nhánh Công ty CP Thủy sản số 1 – Nhà máy Chế biến thực phẩm Tân Phú Trung;

  14. Công ty TNHH Hoàn Mỹ;

  15. Công ty CP Thực phẩm Trung Sơn;

  16. Xí nghiệp CBTSXK I (F 34) - Công ty CP CB XNK thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu;

  17. Công ty CP thủy sản Phú Cường JOSTOCO;

  18. Công ty CP Kiên Hùng;

  19. Phân xưởng 1&3 - Công ty CP thuỷ sản Cửu Long;

  20. Công ty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Việt Cường;

  21. Công ty CP Chế biến Thực phẩm Ngọc Trí;

  22. Công ty CP Sài Gòn Food;

  23. Phân xưởng 2, Xí nghiệp Chế biến mặt hàng mới NF - Công ty CP thủy sản Cà Mau;

  24. Phân xưởng 1, Công ty CP XNK thủy sản Năm Căn.

Ngoài thị truờng Nhật Bản, mới đây, Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Australia (DAFF) cũng đã gửi văn bản tới NAFIQAD thông báo tình hình phát hiện dư lượng các chất kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolones (một loại kháng sinh bị cấm sử dụng) trong các lô hàng thủy sản của Việt Nam tăng cao.

Tại Canada đã có 103 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu trong 2 năm 2011-2012, còn tại Australia cũng phát hiện 39 lô hàng thủy sản của Việt Nam có dư lượng fluoroquinolones vượt mức cho phép.

Theo Báo hải quan

Nguồn: Vinanet