Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thương lái thu mua tôm nguyện liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc từ nhiều năm qua, nay đã đến mức báo động và đang làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước, đe dọa ngành sản xuất, XK thủy sản Việt Nam.
Ồ ạt thu mua
VASEP cho biết, theo phản ánh từ nhiều DN tại miền Trung và ĐBSCL, trong vài năm qua đã xuất hiện tình trạng thương lái mua tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn với giá cao tại hầu hết các tỉnh có nuôi tôm, sau đó ướp đá hoặc cấp đông và chở thẳng về Trung Quốc.
Trong khoảng gần một tháng trở lại đây, tình hình diễn biến phức tạp hơn. Nhiều thương lái tăng cường thu mua khối lượng lớn tôm tươi từ các tỉnh rồi ướp đá vận chuyển về Trung Quốc.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được XK chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu. Nếu như trước đây, các thương lái chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg cũng được thu gom.
Tôm là sản phẩm chiến lược trong cơ cấu XK thủy sản nói riêng và XK của Việt Nam nói chung. Giá trị XK tôm Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD (chiếm 37 - 40% tổng giá trị XK thủy sản), đóng góp hơn 2% tổng giá trị XK của Việt Nam.
Năm 2013, nhờ XK tôm tăng trưởng khả quan nên đã bù đắp cho sự sụt giảm XK nhiều mặt hàng thủy sản khác như cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ. Bảy tháng đầu năm 2013, XK tôm đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi XK các mặt hàng khác như cá tra giảm 0,6%, cá ngừ giảm 2,1% và nhuyển thể giảm 17,3%.
Đặc biệt, các thương lái thu mua giá cao hơn hẳn 15-20% giá mà các DN trong nước đang mua và không quan tâm đến kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu, thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích.
Hậu quả khôn lường
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, tình trạng trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới XK tôm của Việt Nam. Các DN tôm trong nước sẽ không còn nguyên liệu để đảm bảo chế biến và cung cấp cho các thị trường trước mắt, và mất dần bạn hàng về lâu dài do không đảm bảo về sản lượng.
Việc này khiến lượng tôm nguyên liệu thô XK tăng cao, cơ cấu sản phẩm tôm giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến giá trị gia tăng của sản phẩm chiến lược mà các DN đã đầu tư nguồn lực và công nghệ chế biến.
Vấn đề chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất, sẽ có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến sự nỗ lực chung của Nhà nước và DN trong vấn đề kiểm soát kháng sinh, chất lượng tôm.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh tăng cao của các thương lái đang gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Xét từ kinh nghiệm và tác động tiêu cực đã có với một số sản vật nông sản được mua giá cao chuyển sang Trung Quốc trong thời gian qua, người dân ham giá cao dễ chạy theo lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch hoặc các vấn đề quan trọng khác như kháng sinh, chất lượng, tạp chất…
Ông Nam cho biết, ngày 10-9, VASEP đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị các cơ quan này sớm có biện pháp kịp thời tăng cường công tác quản lý thị trường tại các địa phương.
Ngay sau đó, ngày 11-9, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đề nghị các đơn vị này tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam; khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch...
Theo ông Nam, VASEP hy vọng cơ quan chức năng có biện pháp đánh thuế XK cho các mặt hàng XK tươi (chưa qua chế biến, chưa cấp đông) để áp dụng đối với XK tôm tươi, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của hiện trạng này.
(Haiquan)