Phó giám đốc Hãng thời trang Sanding, mẫu mã và giá cả đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may. Nguyên liệu trong nước, mẫu mã, chất lượng rất kém không đáp ứng được nhu cầu, nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất, khiến giá thành đội lên cao so với đối thủ hiện nay là hàng Trung Quốc (ngành dệt may Trung Quốc có hẳn một trung tâm nguyên phụ liệu rất lớn quy tụ tất cả các loại vải ở mọi nơi trên thế giới).

Mặc dù ngành dệt may Việt Nam cũng đã xây dựng những trung tâm nguyên phụ liệu để phục vụ cho các doanh nghiệp dệt may, nhưng vẫn chưa thu hút được khách hàng. Các chuyên gia trong ngành dệt may cho rằng, để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Thái Lan, vấn đề đầu tiên ngành may mặc trong nước phải giải quyết là mẫu mã và giá thành, nhưng với tình hình nguồn nguyên liệu vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay thì quả thực đây là bài toán khó.

Hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng của các nước khác cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp thủy sản. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay do khâu nguyên liệu, các chi phí đầu vào và một số yếu tố sản xuất khác (nhiều hộ nuôi trồng thủy sản thu hẹp quy mô, thậm chí không nuôi nữa)… khiến giá nguyên liệu thủy sản trong nước tăng lên. Trong khi đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, các nước có hàng thủy sản xuất khẩu đều tìm cách giảm giá bán, vì vậy cạnh tranh không những về chất lượng, mà cả về giá diễn ra rất gay gắt…

Để giải bài toán này, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản tập trung tổ chức nuôi, liên kết với người nuôi, hỗ trợ đầu tư con giống, thức ăn để có thể chủ động nguyên liệu, củng cố chất lượng. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới và những sản phẩm thay thế để giảm tối đa giá thành sản phẩm xuất khẩu cũng là việc các doanh nghiệp sẽ phải tính tới càng sớm càng tốt.

Là một doanh nghiệp lớn nên so với các doanh nghiệp trong ngành, Vinamilk luôn mua được nguyên liệu đầu vào với giá có lợi, thậm chí trong một số trường hợp Công ty có thể đàm phán lại giá mua khi thị trường có những biến động lớn. Tuy nhiên, sự biến động trên thị trường nguyên liệu vẫn là một trong những lo ngại hàng đầu của doanh nghiệp này. Chính vì thế, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, Vinamilk đã và đang phát triển vùng nguyên liệu với các trang trại bò sữa kiểu mẫu để cung cấp con giống, dịch vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vinamilk, hiện đang có một nghịch lý là nhập khẩu nguyên liệu lại có lợi hơn so với mua nguyên liệu ở trong nước vì giá rẻ hơn. Tất nhiên, vì kế hoạch phát triển lâu dài và vì trách nhiệm phát triển vùng nguyên liệu trong nước, Vinamilk vẫn phải mua nguyên liệu sữa của nông dân.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Tiền Giang cũng thừa nhận, có những thời điểm, giá nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn nhiều so với mua nguyên liệu trong nước. Chính vì thế, nhiều lúc, nhiều nơi nông dân nuôi trồng thủy sản đã phải bỏ ao, bỏ ruộng vì không bán được sản phẩm. Nhưng đến khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, doanh nghiệp muốn quay về nguồn nguyên liệu trong nước thì lại không có vì người nuôi trồng đã thu hẹp sản xuất. Câu chuyện này như một vòng tròn luẩn quẩn không chỉ lặp lại đối với ngành thủy sản.

Nguồn: Internet