Xuất khẩu gạo Việt Nam đã đi được gần nửa chặng đường của năm 2013, và giá lúa gạo trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đôi lúc thay đổi nhưng vẫn nghiêng nhiều theo chiều hướng giảm. Các chuyên gia dự báo rằng xu hướng giá giảm vẫn sẽ tiếp tục dẫu rằng giao dịch có thể sôi động trở lại vào những tháng cuối năm.

Giá nội địa, xuất khẩu đều giảm

Dù còn khoảng 10 ngày nữa mới kết thúc nửa năm 2013 nhưng giá giảm vẫn là xu hướng chính trên thị trường lúa gạo nội địa lẫn xuất khẩu trong 6 tháng qua.

Theo số liệu thống kê của hải quan, so với cà phê, cao su, tiêu, điều…, gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá bình quân giảm mạnh nhất nhưng lượng xuất khẩu lại tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến hết quí 1-2013. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu trong quí đầu năm đạt 1,57 triệu tấn, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái và giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 440 đô la Mỹ/tấn, giảm đến 10%.

Bước sang quí 2-2013, giá gạo xuất khẩu chẳng những không được cải thiện mà còn giảm thêm, từ mức 400 - 410 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm) cuối tháng 4 xuống còn 375 - 385 đô la Mỹ/tấn từ tháng 5 đến nay.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và thế giới trong 6 tháng đầu năm 2013, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia thương mại của Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương cho rằng giá gạo của Ấn Độ và Pakistan đi ngang; giá gạo của Việt Nam giảm từ mức thấp là điều không bình thường.

Ông Bích nói: “Xu thế giảm giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là rất rõ”.

Về diễn biến thị trường trong nước, nếu như ở đầu vụ đông xuân 2012-2013, giá lúa IR 50404 khô được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua phổ biến ở mức giá 5.000 - 5.200 đồng/kí lô gam, thì từ tháng 5-2013 đến nay, giá liên tục giảm và hiện chỉ dao động trong khoảng 4.600 - 4.900 đồng/kí lô gam, dù đôi lúc giá có nhích lên chút đỉnh nhưng xu hướng chung vẫn giảm.

Kỳ vọng vào các tháng tới

Diễn biến thị trường lúa gạo trong nước và thế giới ở những tháng cuối năm 2013, ông Bích cho rằng dự báo về lúa gạo chưa bao giờ dễ dàng với bất cứ ai, ngay cả dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng thường thay đổi. Nhưng ông cho rằng xu hướng chung của thị trường lúa gạo thế giới trong những tháng cuối năm 2013 là mua bán sẽ sôi động trở lại nhưng khả năng giá bán sẽ giảm xuống.

Giá giảm trong những tháng tới là do Thái Lan tồn kho gạo lớn và muốn giảm sức ép giải phóng tồn ngày càng cao thì không còn cách nào hơn là phải giảm giá. Bên cạnh đó, Ấn Độ được mùa, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các nước dự báo không có gì đột biến cả. Như vậy, giá gạo thế giới không tăng trong thời gian tới gần như là chắc chắn.

Còn ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, thành phố Cần Thơ, đưa ra dự báo rằng khả năng thị trường xuất khẩu gạo sôi động trở lại trong những tháng cuối năm 2013 hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt đối với phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao. Gần đây, lượng khách đến mua nhiều hơn, lượng hàng đi đều hơn, đặc biệt, trong khoảng 10 ngày gần đây, gạo thơm Jasmine đã tăng được 40 - 50 đô la Mỹ/tấn và chắc chắn gạo thơm sẽ không xuống giá được, ít nhất đến cuối năm.

Tuy nhiên, một chuyên gia của Công ty cổ phần phân tích thị trường Việt Nam Agromonitor cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian sắp tới phụ thuộc vào nhu cầu của Philippines và Indonesia. Nếu họ (Philippines và Indonesia) mua vào nhiều và sớm thì thị trường sẽ sôi động còn không thì diễn biến sẽ ngược lại.

Trước đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cũng đã đưa ra dự báo thị trường xuất khẩu gạo trong nước sẽ sôi động trở lại kể từ tháng 7-2013 do Indonesia và Philippines - những thị trường tập trung truyền thống của Việt Nam - có nhu cầu mạnh.

(KTSG)

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn