Nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào đang tạo áp lực lên thị trường gạo xuất khẩu. Dự báo tiêu thụ lúa hè thu sẽ rất khó khăn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang đề nghị Chính phủ có kế hoạch mua tạm trữ... Đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4, bàn kế hoạch xuất khẩu tháng 5 của VFA mới đây.

Tuy số lượng hợp đồng ký nhiều nhưng giao hàng chậm, một số doanh nghiệp bị áp lực tồn kho và quay vòng vốn bắt buộc phải bán giá thấp để giải quyết đầu ra nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã ký được 4,231 triệu tấn gạo, tăng 9,92% so với cùng kỳ 2012. Số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 5 là 2,08 triệu tấn.

Kết quả xuất khẩu trong tháng 4 đạt 700.710 tấn, trị giá FOB 301,066 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 đến 30/4/2013 đạt 2,151 triệu tấn, trị giá FOB 942,418 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 429,66 USD/tấn.

So với tháng 3/2013, sản lượng gạo xuất khẩu đã giảm 0,8%, trị giá FOB giảm 3,01%, giá xuất bình quân giảm 9,8 USD/tấn. Dự kiến tháng 5, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 0,75 triệu tấn gạo, tháng 6 là 0,75 triệu tấn, quý 2 sẽ xuất khẩu 2,2 triệu tấn.

Giá gạo giao dịch trong tháng 4 giảm từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 3 và tiếp tục sụt giảm đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng đã ký trước có giá cao hơn và tâm lý người mua chờ đợi giá giảm thêm để tránh rủi ro.

Giá xuất khẩu bình quân tháng 4 cũng giảm trên 28 USD/tấn so với cùng kỳ 2012. Hợp đồng đăng ký trong tháng 4 khá tốt, cao hơn số lượng xuất khẩu, gồm 187 ngàn tấn đã ký với NFA, nhưng khoảng 230 ngàn tấn gạo ký với tư nhân Philippines trước đó khó có khả năng thực hiện do chưa có quota và bị kiểm soát nhập lậu.

Tốc độ giao hàng đi Trung Quốc cũng khá chậm vì các thương nhân nước này đang muốn trì hoãn nhận hàng nhằm tạo áp lực lên xuất khẩu gạo Việt Nam để ký các hợp đồng mới giá thấp. Tuy số lượng hợp đồng chưa giao còn nhiều nhưng khả năng bị huỷ cũng lớn.

Với khả năng tài chính thấp, đến ngày 20/5 là hết thời hạn hỗ trợ lãi suất tạm trữ 1 triệu tấn gạo nên doanh nghiệp buộc phải bán ra để có tiền trả nợ vay. Tháng 6/2013, lúa hè thu sẽ thu hoạch, gạo đông xuân chưa bán hết, nguồn lúa hàng hóa mới dồi dào trong khi thị trường gạo xuất khẩu trầm lắng đang tạo nhiều áp lực cho ngành lúa gạo Việt Nam...

Hiện các nhà nhập khẩu gạo thế giới đều biết những thông tin này, nên dù gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp ở mức nhất, nhì thế giới nhưng họ vẫn muốn ép giá gạo Việt Nam xuống thêm nữa. So sánh giá thị trường hiện nay và giá mua tạm trữ thì các doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 20 - 25 USD/tấn.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA nhận định, “giá gạo Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới nhưng khách hàng vẫn ngại mua vì nghĩ có khả năng giảm giá tiếp”.

Trước thực tế này, VFA đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian (2 – 3 tháng) thu hồi vốn vay mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đông xuân cho các doanh nghiệp (không hỗ trợ lãi suất) để không tạo áp lực trả nợ. Giá sàn loại gạo 35% tấm tiếp tục giữ ở mức 365 USD/tấn vì nếu hạ thêm, sẽ dưới giá thành sản xuất của nông dân và là điều bất hợp lý.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, sắp tới thị trường gạo xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Tuy đang có diễn biến hết bất thường nhưng VFA khẳng định, sẽ tiếp tục giữ giá sàn hiện nay mà không hạ thêm nữa vì nếu hạ sẽ dưới giá thành sản xuất. Để giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp khi đến hạn, VFA sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian trả nợ vì 1 triệu tấn gạo tạm trữ chưa có đầu ra.

Theo nguyện vọng của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, vụ hè thu tới VFA đề nghị chuyển giao tạm trữ lúa gạo về cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành điều hành.

(TBKTVN)

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam