Báo cáo về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam của Ngân hàng HSBC cho rằng trong năm 2014 ngành xuất khẩu của Việt sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu của các nước Âu Mỹ bắt đầu hồi phục.
HSBC cho rằng trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu từ các nước phương Tây đã được cải thiện vì Việt Nam vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu. Mặc dù nhu cầu toàn cầu có sự dao động trong năm 2013 và giá cả hàng hoá giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn Việt Nam vẫn đạt mức đáng kể là 15,4%. Từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm nhưng Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại 900 triệu đô la Mỹ năm 2013.
Nguyên nhân của việc xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh là do xuất khẩu hàng dệt may cùng với đầu tư nước ngoài mới trong lĩnh vực điện tử đã phục hồi. “Với số giải ngân FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng 9,9% và nguồn vốn đăng ký mới tăng đáng kể, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ khởi sắc trong năm 2014”, HSBC nói.
Chỉ số PMI (chỉ số dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất do HSBC đưa ra thông qua khảo sát các doanh nghiệp định kỳ) của Việt Nam trong tháng 12 đã thể hiện sản lượng ngành sản xuất tăng tốc với mức 51,8 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 4-2011. Điểm tích cực về kết quả chỉ số PMI tháng này là các chỉ số phụ đều tăng mạnh hơn đặc biệt là đơn đặt hàng mới và việc làm.
Đơn đặt hàng mới tăng cộng với hàng tồn kho giảm có nghĩa là sản lượng sẽ tăng trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu hàng hoá. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ tăng trong năm 2014, từ đó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam như hàng dệt may và điện tử, nên HSBC cho rằng lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới. Tin tích cực nhất từ chỉ số PMI là chỉ số phụ về việc làm tăng mạnh. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động, vốn đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cao trong năm 2013, HSBC nói.
Ngân hàng này cho rằng với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nữa. Với việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu (chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu), Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ việc nhu cầu của các nước phương Tây sẽ được cải thiện.
Mặc dù kỳ vọng hoạt động xuất khẩu trong năm 2014 sẽ tăng lên nhưng HSBC cho rằng nhu cầu nội địa có thể sẽ vẫn trì trệ do tình hình nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. NHNN đã thành lập công ty quản lý nợ nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề về cải cách lĩnh vực tài chính. Để cải thiện tình hình thì Nhà nước cần phải thực hiện thêm những cải cách để xử lý những khoản nợ xấu và giảm áp lực trong hệ thống tài chính.
HSBC cũng dự báo lạm phát Việt Nam sẽ tăng nhẹ trong năm 2014 do giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao hơn. Lạm phát năm 2014 dự kiến sẽ tăng trung bình 7,9%, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ sở để giữ mức lãi suất ổn định trong quí 1-2014.
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP mới được ban hành về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 2014, Chính phủ đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Ba đột phá chiến lược gồm có đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, trong Nghị quyết Chính phủ cũng chỉ định NHNN chủ trì thực hiện tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, trình Thủ tướng cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu bộ ngành liên quan tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bảo đảm hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.
Về tái cơ cấu công nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết cũng đề cập các chính sách sẽ tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời, Nhà nước sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo.