(Vinanet) Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam trong 4 tháng gần đây liên tục tăng về số lượng, nhưng tốc độ tăng chậm lại - mức tăng trưởng của tháng sau chỉ bằng khoảng một nửa tháng trước, trong khi kim ngạch bắt đầu giảm. Theo thống kê, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tháng 6 đạt 3.617 chiếc (tăng 5,76% so với tháng trước đó), tương đương kim ngạch 61,2 2 triệu USD, giảm 7,38%.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu ô tô vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2012; tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam 17.084 chiếc, tăng 22,22%, trị giá 313,64 triệu USD, tăng 9,67%.
Trong nửa đầu năm 2013, nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc nhiều nhất vẫn là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống với hơn 8.900 chiếc, tăng 12,5%; ô tô tải 6.860 chiếc, tăng 41,1%; ô tô trên 9 chỗ ngồi 265 chiếc (cùng kỳ năm trước chỉ nhập 76 chiếc); ô tô loại khác 1.020 chiếc, giảm 7,7% so với 6 tháng năm 2012.
Xu hướng nhập khẩu ô tô 6 tháng đầu năm cho thấy sự áp đảo của ôtô nhập khẩu từ các nước ASEAN (gồm Thái Lan và Indonesia) và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ hầu hết các nước này đều tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Trừ trường hợp cá biệt là Trung Quốc có sự giảm sút đáng kể về giá trị bởi tỷ trọng xe tải và xe chuyên dụng lớn; trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế mua xe phục vụ sản xuất, kinh doanh đã kéo theo sụt giảm giá trị kim ngạch chung.
Kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Hàn Quốc 6 tháng 2013 đạt 8.454 chiếc, tương đương 87,5 triệu USD (tăng 2.363 chiếc, tức tăng gần 9,4 triệu USD so với cùng kỳ); Thái Lan 3.297 chiếc, tương đương 59,8 triệu USD (tăng 988 chiếc, tức tăng 18,1 triệu USD); Indonesia 683 chiếc, tương đương 7,7 triệu USD (tăng 144 chiếc, tức tăng gần 3,4 triệu USD)...
Ngoài 5 thị trường chính nói trên, thì các loại ô tô “hạng sang” nhập khẩu từ các thị trường Đức, Anh hay Pháp cũng tăng lên. Trong số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đang xuất khẩu ôtô sang Việt Nam nửa đầu năm nay, thì các thương hiệu xe sang nhập về Việt Nam có xuất xứ từ chính 3 quốc gia này. Riêng Lexus có xuất xứ Nhật Bản thì dự kiến cuối năm nay mới ra mắt.
Cụ thể trong 6 tháng năm 2013, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Đức đạt 29,13 triệu USD, tăng 9 triệu USD so cùng kỳ; từ Anh đạt 1,99 triệu USD, tăng gần 500.000 USD; từ Pháp đạt 2,17 triệu USD, tăng gần 1,5 triệu USD.
Cũng chính vì yếu tố “sang” và giá trị cao mà mặc dù có lượng xe nhập khẩu thấp nhưng kim ngạch từ các quốc gia này lại luôn ở mức cao. Ví dụ so với Nhật Bản, lượng xe nhập khẩu từ Đức thấp hơn 259 chiếc song giá trị lại cao hơn 3 triệu USD.
Các thị trường chủ yếu cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013
Sang năm 2014, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ 60% hiện nay về còn 50%, đồng nghĩa với giá nhiều mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ giảm 10%. Đơn cử, 1 chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo 10.000 USD, sẽ giảm giá khoảng 1.650 USD so với hiện nay.
Theo các doanh nghiệp ô tô Việt Nam, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ giảm về mức 50%, khiến giá một số mẫu xe nhập khẩu bằng giá xe lắp ráp trong nước. Điều này sẽ tạo ra áp lực khiến cho xe lắp ráp sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thấp hơn để cạnh tranh hoặc nhận thấy sản xuất không có hiệu quả sẽ phải ngừng và chuyển sang nhập khẩu.
Do vậy, dự báo cho thấy các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ còn tiếp tục giảm giá mạnh trong những năm sau.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang tính toán và lên kế hoạch, thời gian tới sẽ tập trung vào lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có lợi thế cạnh tranh, còn những mẫu nào không có lợi thế sẽ ngừng lại và chuyển sang nhập khẩu.
Bộ Công thương cho rằng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu ô tô khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong ASEAN về 0% vào năm 2018, dẫn tới gia tăng áp lực nhập siêu cho nền kinh tế.
Do vậy, phương án giảm mạnh thuế phí nhằm phát triển dung lượng thị trường, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô rất cần được tính toán, quyết định sớm. Bởi khi thực hiện giảm mạnh các loại thuế, phí sẽ tạo điều kiện để các hãng xe lớn ở lại sản xuất thay vì chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.