10 tháng qua, cả nước đã bỏ ra hàng tỉ USD để nhập khẩu các mặt hàng được xem là xa xỉ như máy vi tính, điện thoại, ô tô…

Theo thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-10, tổng giá trị kim ngạch NK cả nước 102,24 tỉ USD, tăng 13,338 tỉ USD so với cùng kì 2012. Cả nước có 21 nhóm hàng đạt giá trị kim ngạch NK từ 1 tỉ USD trở lên, tăng 1 nhóm hàng so với cùng kì 2012.

Thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến 15-10, 2 nhóm hàng có kim ngạch NK trên 10 tỉ USD là máy móc thiết bị (gần 14,17 tỉ USD), máy vi tính và linh kiện (gần 14 tỉ USD). Với kim ngạch này, nhóm hàng máy vi tính và linh kiện có sự tăng trưởng mạnh tới 4 tỉ USD, tương đương 40% so với cùng kì năm 2012. Con số nhập khẩu này cũng chiếm tới gần 14% tổng kim ngạch NK cả nước cùng thời điểm. Mặt hàng được xem là xa xỉ phẩm khác có kim ngạch NK lớn là điện thoại và linh kiện có kim ngạch gần 6,5 tỉ USD, tăng khoảng 2,8 tỉ USD, tương đương mức tăng gần 75% so với cùng kì năm 2012.

Như vậy, liên tiếp những năm gần đây, việc tiếp cận, sử dụng các mặt hàng công nghệ của các thương hiệu nổi tiếng thế giới ở Việt Nam đều liên tục có sự gia tăng. Không chỉ qua con số thống kê của cơ quan Hải quan mà thực tế trên thị trường cũng chứng minh điều đó khi các dòng điện thoại, máy tính xách tay đời mới chỉ ít ngày sau khi được giới thiệu ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu đã sớm xuất hiện ở Việt Nam. Thậm chí có mặt hàng sự xuất hiện gần như đồng thời ở thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kim ngạch 2 nhóm hàng NK này tăng mạnh chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất của các nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính xách tay đang phát triển nhảy vọt trong nước. Thực tế không hoàn toàn như vậy, dù linh kiện, thiết bị vẫn được các nhà sản xuất trong nước nhập về nhưng nó không quá áp đảo so với sản phẩm nguyên chiếc nhập về phục vụ tiêu dùng. Anh Phí Văn Cương- Trưởng phòng XNK, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), từng chia sẻ với người viết, so với trước đây, tỉ lệ sử dụng linh kiện, thiết bị sản xuất trong nước ở SEV đang tăng lên, nên đồng nghĩa với tỉ lệ NK sẽ giảm xuống. Hơn nữa, kim ngạch XK của Công ty cũng lớn hơn nhiều so với NK. Do đó trong tổng kim ngạch của nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện các sản phẩm hoàn thiện NK phục vụ tiêu dùng vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh máy vi tính và điện thoại, mặt hàng ô tô NK những tháng qua cũng có đà tăng trở lại sau khi giảm trị giá trong năm 2012. Từ đầu năm đến 15-10-2012, cả nước chỉ NK hơn 20.810 ô tô các loại (chỉ có 10.267 xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống), với tổng giá trị kim ngạch hơn 473 triệu USD. Trong khi đó, cùng kì năm 2011, cả nước NK tới 46.520 ô tô các loại (trong đó gần 30.000 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống), tổng kim ngạch gần 872 triệu USD. Như vậy, so với năm 2011, lượng xe ô tô nhập khẩu cùng thời điểm năm 2012 giảm tới hơn 55% về lượng và giảm gần 46% về trị giá. Tuy nhiên, nhiều tháng đã qua của năm 2013, tình hình NK mặt hàng này đã không tiếp tục chiều đi xuống của năm 2012. Từ đầu năm đến 15-10-2013, lượng ô tô nhập khẩu cả nước là 26.655 chiếc (trong đó có 12.377 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) với tổng giá trị kim ngạch gần 522 triệu USD. Kết quả này giúp lượng xe ô tô NK tăng gần 28% và tăng gần 10,36% về trị giá so với cùng kì năm 2012. Dù chưa lấy lại phong độ như thời đỉnh cao ở các năm 2010 hay 2011, nhưng điều đó cũng cho thấy thị trường ô tô trong nước phần nào đã bớt ảm đạm.

Việc tăng trưởng trở lại của mặt hàng này có nhiều đáng nói khác sau những con số. Trước tiên đối với vấn đề thu NSNN, đây là một trong những mặt hàng có nhiều sắc thuế (Thuế NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT) nên số lượng và kim ngạch NK tăng trở lại đồng nghĩa với nguồn thu của Nhà nước sẽ có thêm nhiều đóng góp. Mặt khác, mặt hàng ô tô với phần lớn dòng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống vốn hướng tới đối tượng tiêu dùng là đại gia, mà một bộ phận không nhỏ trong số họ là các ông chủ, nên họ có dư giả về tài chính (nên mới tiếp cận sản phẩm ô tô) đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những cơ sở do họ làm chủ cũng sẽ có sự khởi sắc. Điều này có tác động xã hội không nhỏ khi tạo ra được thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và cả đóng thuế cho Nhà nước. Từ trước đến nay, khi nói đến vấn đề NK các mặt hàng xa xỉ phẩm như ô tô, nhiều người vẫn chủ yếu nghĩ theo hướng đất nước còn nghèo, nhập nhiều hàng hóa này sẽ làm tăng nhập siêu. Điều này có phần đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang phát triển nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân như ô tô cũng mang lại nhưng lợi ích khác như đề cập ở trên. 

(HQ)

Nguồn: Hải quan Việt Nam