(VINANET) - Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 11/2014, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nam Phi đạt 881,9 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó riêng xuất khẩu đạt 747 triệu USD, tăng 3,89%.
Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, máy vi tính, cà phê, hàng dệt may, máy móc thiết bị…. trong đó mặt hàng điện thoại chiếm thị phần lớn, chiếm 57,7% tổng kim ngạch, với trị giá 431,1 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2013, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này lại giảm nhẹ, giảm 3,25%. Đứng thứ hai về kim ngạch là mặt hàng giày dép, đạt 83,6 triệu USD, tăng 13,02%... Nhìn chung, tốc độ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nam Phi luôn tăng trưởng dương, số mặt hàng này chiếm trên 66%, trong đó xuất khẩu mặt hàng cà phê tăng trưởng mạnh vượt trội, tăng 136,72%, kim ngạch đạt 20,1 triệu USD.
Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nam Phi các mặt hàng như: rau quả, phế liệu sắt thép, kim loại thường, máy móc thiết bị, chất dẻo nguyên liệu….
Thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nam Phi 11 tháng 2014 – ĐVT: USD
|
11T/2014
|
11T/2013
|
% so sánh
|
Tổng KN
|
747.024.622
|
719.045.474
|
3,89
|
điện thoại các loại và linh kiện
|
431.135.280
|
445.594.903
|
-3,25
|
giày dép các loại
|
83.639.988
|
74.001.453
|
13,02
|
máy vi tính, sp điện tử và linh kiện
|
47.460.155
|
33.755.984
|
40,60
|
cà phê
|
20.188.226
|
8.528.389
|
136,72
|
hàng dệt, may
|
19.474.265
|
16.544.184
|
17,71
|
máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
|
19.127.236
|
19.971.258
|
-4,23
|
gạo
|
15.622.653
|
14.016.842
|
11,46
|
hạt tiêu
|
13.382.208
|
11.421.064
|
17,17
|
gỗ và sản phẩm gỗ
|
9.330.983
|
6.934.069
|
34,57
|
hạt điều
|
7.827.736
|
7.211.560
|
8,54
|
sản phẩm hóa chất
|
7.329.852
|
12.554.024
|
-41,61
|
sản phẩm từ sắt thép
|
5.575.959
|
4.270.476
|
30,57
|
phương tiện vận tải và phụ tùng
|
5.062.552
|
5.986.373
|
-15,43
|
bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc
|
2.638.080
|
1.561.904
|
68,90
|
chất dẻo nguyên liệu
|
1.127.270
|
2.337.288
|
-51,77
|
Dẫn nguồn tin từ baocongthuong.com.vn, theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nam Phi, Lê Huy Hoàng cho biết, với dân số gần 50 triệu người, mỗi năm Nam Phi xuất khẩu gần 100 tỷ USD và nhập khẩu hơn 100 tỷ USD. Giống như các nước châu Phi khác, Nam Phi xuất khẩu nhiều loại nguyên liệu quý cho sản xuất công nghiệp và chế biến xuất khẩu như khoáng sản, hóa chất, gỗ, bông, hạt điều thô... và nhập khẩu gần như tất cả các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều…
Đây là quốc gia có 2 mặt giáp biển, thuận lợi cho ngành đánh bắt hải sản. Có thể nói, xuất khẩu hải sản là thế mạnh của Nam Phi. Chỉ tính riêng mặt hàng cá phi-lê, năm 2013 Nam Phi xuất khẩu được 22,6 nghìn tấn, trị giá 112 triệu USD.
Trong khi hầu hết các nước châu Phi khác chìm đắm triền miên trong các cuộc chiến tranh sắc tộc, xung đột tôn giáo, bất ổn chính trị, bệnh tật, nghèo đói, lạc hậu thì Nam Phi lại rất ổn định. Vì vậy, các doanh nghiệp nước này giữ vai trò chủ đạo trên thị trường hầu hết các nước châu Phi, đặc biệt là các nước miền nam châu lục này.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi năm 2014 tăng 6,5% nhờ xuất khẩu một số mặt hàng tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Nổi bật có cà phê tăng 71%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%.
Thị trường có nhu cầu cao đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam. Thị hiếu khách hàng vừa mua hàng theo thương hiệu, lại vừa ưa chuộng hàng giá rẻ.
Cũng theo Đại sứ, năm 2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã có những hoạt động tích cực và mang lại hiệu quả rất lớn của bộ phận Thương vụ. Theo đó, năm 2014, Thương vụ đã giới thiệu được hơn 25 đối tác xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp hai nước. Triển khai xây dựng Gian hàng Việt Nam, trưng bày tài liệu giới thiệu tiềm năng kinh tế, thương mại cũng như catalogue, hàng mẫu của các doanh nghiệp Việt.
Thương vụ cũng tổ chức hoạt động quảng bá mặt hàng gạo xuất khẩu, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nam Phi và khách tham quan hội chợ. Đã có 6 doanh nghiệp đề nghị gửi mẫu gạo và bản chào hàng, trong đó Công ty Megacorp Trading C.c. đề nghị được ký hợp đồng dài hạn với số lượng 250 tấn/tháng gạo đồ 5% tấm và 100 tấn/tháng gạo trắng hạt dài 25% - 100 % tấm.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tới sự thành công của sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra của Việt Nam vào ngày 22/5. Nhân đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với doanh nghiệp Việt kiều quảng bá mặt hàng cá tra ngay tại nơi tổ chức sự kiện là Nhà hàng Sài Gòn ở thành phố Johannesburg. Sau sự kiện, nhà hàng đã chính thức đưa vào thực đơn các món ăn chế biến từ cá tra Việt Nam, được các thực khách Nam Phi ưa thích.
Ngày 25/7, Hội thảo Xúc tiến thương mại Việt Nam - Nam Phi đã được tổ chức với sự tham dự của gần 50 doanh nghiệp Nam Phi, 20 doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt kiều đang hoạt động tại Nam Phi. Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước và tại đây, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác cho các mặt hàng xuất khẩu.
Ngày 26/8, tại Thủ đô Pretoria, nhân tiệc chiêu đãi kỷ niệm 69 năm Quốc khánh Việt Nam tại Đại sứ quán với 400 khách mời quan trọng tới từ các đoàn ngoại giao, chúng tôi cũng đã lồng ghép quảng bá mặt hàng gạo và cá tra xuất khẩu của Việt Nam thông qua các món ăn được chế biến ngay tại chỗ. Và tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cũng kết hợp quảng bá thêm mặt hàng cà phê hòa tan 3 trong 1 xuất khẩu.
Ngày 11/9, Diễn đàn "Xúc tiến đầu tư vào Vĩnh Phúc, Việt Nam và Nam Phi" được tổ chức tại trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu của Nam Phi - thành phố Johannesburg, thu hút gần 100 nhà đầu tư và doanh nghiệp nước này. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đều hoan nghênh phương châm của tỉnh “coi các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, đồng thời yêu cầu được cung cấp các thông tin cụ thể về các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc trên website của Phòng Thương mại Công nghiệp Johannesburg để thông tin rộng rãi cho các nhà đầu tư.
Ngày 31/10, tại thành phố Durban, Diễn đàn "Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam - Nam Phi" với sự tham dự của hơn 80 doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng thành công tốt đẹp.
Đại sứ cho biết, thị trường châu Phi nói chung, Nam Phi nói riêng có nhiều tiềm năng lớn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các nước châu Phi hầu hết chậm phát triển về mọi mặt, trong đó có thương mại. Bất ổn chính trị dẫn đến việc trao đổi thông tin, tham quan khảo sát thị trường gặp nhiều khó khăn, thanh toán quốc tế luôn gián đoạn, môi trường luật pháp yếu kém dẫn đến tình trạng lừa đảo…
Nhưng chính trong môi trường thiếu vắng sự tích cực chủ động của các doanh nghiệp hai phía, vai trò của Thương vụ lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hoạt động của Thương vụ có hiệu quả xúc tiến thương mại thực sự.
Và trong môi trường đó, Thương vụ phải tự lực, độc lập tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. hay nói cách khác, Thương vụ phải trở thành “người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp”.
Hiện nay có một thực tế là các thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao được ưu tiên cấp kinh phí tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và các hiệp hội, ngành hàng cũng quan tâm tổ chức các hoạt động tại các thị trường này, bởi đây là các thị trường thuận lợi, doanh nghiệp cả hai phía làm ăn dễ dàng.
Ngược lại, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu thấp mới thật sự cần các hoạt động xúc tiến thương mại, mới thật sự cần sự vào cuộc của các hiệp hội, ngành hàng, quan tâm phối hợp với các Thương vụ tổ chức các hoạt động tạo nhu cầu, tăng nhu cầu, giành thị phần... thì lại bị bỏ ngỏ. Đối với địa bàn này, khi lợi nhuận không thu hút được các doanh nghiệp thì chính là lúc vai trò “dịch vụ công” của nhà nước, của các hiệp hội, ngành hàng cần được phát huy để đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội, mà trên hết là lợi ích quốc gia.