Một nghịch lý đã tồn tại rất lâu trong ngành nông nghiệp là sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam liên tục lập kỷ lục mới nhưng giá trị xuất khẩu đem về lại không cao. Thậm chí, giá trị xuất khẩu gạo còn chưa bằng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN).
Giai đoạn 1989 - 2013, lúa gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Trong đó, ĐBSCL luôn là kho lúa gạo của quốc tế, chiếm trên 50% sản lượng gạo và gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo đã trở thành nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của các tỉnh ĐBSCL.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố năm 2012, sản lượng xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 8,047 triệu tấn, thu về tương đương 3,5 tỷ USD. Năm 2013, sản lượng xuất khẩu gạo giảm xuống còn 6,61 triệu tấnvới tổng giá trị 2,95 tỷ USD. Số liệu mới nhất từ, cả năm 2014, xuất khẩu gạo đạt 6,316 triệu tấn, trị giá FOB (giá bán thực tế tại cửa khẩu xuất) 2,789 tỷ USD, trị giá CIF (giá bao gồm thuế xuất khẩu) 2,931 tỷ USD.
Thế nhưng giá trị xuất khẩu gạo lại thấp hơn nhiều so với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TACN. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, cụ thể năm 2012, cả nước nhập khẩu tới 8,87 triệu tấn nguyên liệu TACN với tổng kim ngạch là 3,99 tỷ USD. Năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra 3 tỷ USD để nhập khẩu TACN, nhiều hơn 50 triệu USD so với xuất khẩu gạo. Nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì (phần dành cho chế biến TACN), Việt Nam đã chi ra trên 4 tỷ USD.
Riêng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lại đang tăng chóng mặt. Chỉ trong tháng 8-2014, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 323 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 8tháng đầu năm đạt gần 2,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (33%), Hoa Kỳ (13,9%) và Trung Quốc (10,7%). Riêng thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2014 đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng thừa lúa gạo, thiếu TACN đã kéo dài hàng chục năm qua mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết. Theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ quả của chính sách phát triển nông nghiệp lệch lạc kéo dài suốt 20 năm qua. Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), hiện cây đậu nành có khả năng cạnh tranh thấp nhất trong các loại cây trồng trong nước. Diện tích cây trồng này từ trên 300.000ha nay chỉ còn trên 100.000ha và đang tiếp tục giảm tại nhiều địa phương do năng suất thấp.
Để cân bằng mức nhập siêu trong xuất nhập nông sản chẳng còn cách nào khác là phải đầu tư chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thay thế cây lúa bằng cây trồng nguyên liệu TACN. Đối với cây trồng biến đổi gen, các bộ ngành cũng đã hoàn thiện khung pháp lý đánh giá an toàn sinh học cây trồng này. Tuy nhiên, hơn một năm nay, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa diễn ra chậm chạp và chủ yếu vẫn đang thí điểm.
Ngoài ra, có rất nhiều điều đáng lo ngại khác như: khả năng tác động xấu đến môi trường canh tác, mất an toàn cho người sử dụng; khả năng để mất quyền kiểm soát lương thực vào tay nước ngoài; nguy cơ độc quyền kinh doanh đầu vào sản xuất đối với sản phẩm biến đổi gen (giống, phân bón và hóa chất đi kèm) có thể làm giảm hiệu quả sản xuất và tăng gánh nặng hỗ trợ của các chính phủ.
Trên thực tế, những sản phẩm bắp, đậu tương Việt Nam nhập khẩu về làm thức ăn gia súc bấy lâu nay hầu hết là cây trồng biến đổi gen. Việc phê duyệt các sự kiện bắp biến đổi gen lần này cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu bắp tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu Việt Nam chưa tích cực, chủ động đột phá để tạo nguồn nguyên liệu thay thế thì chừng đó ngành chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu, nhập siêu sẽ còn tiếp tục nặng nề.
Nguồn: sggp.org.vn