Tám tháng đầu năm 2011, cả nước nhập khẩu 216.683 tấn bông, trị giá 759,57 triệu USD (tuy giảm 12,2% về lượng nhưng tăng 76,99% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 51,6% kế hoạch đặt ra năm 2011); trong đó riêng tháng 8 nhập khẩu 15.332 tấn, trị giá 54,09 triệu USD (giảm 23,8% về lượng và giảm 30,9% về kim ngạch so với tháng 7/2011).

Bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm 56,6% thị phần bông nhập khẩu vào Việt Nam 8 tháng đầu năm, trị giá 429,93 triệu USD, tăng 164% so cùng kỳ. Riêng tháng 8 nhập khẩu bông từ thị trường này lại giảm 33,13% so với tháng trước, nhưng tăng 2,96% so với cùng tháng năm 2010, đạt 30,19 triệu USD.

Tiếp sau thị trường Hoa Kỳ là các thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD trong 8 tháng lần lượt là: Ấn Độ 83,3 triệu USD, chiếm 10,97%; Pakistan 18,07 triệu USD, chiếm 2,38%; Australia 15,7 triệu USD, chiếm 2,07%; Braxin 14,14 triệu USD, chiếm 1,86%; Bờ biển Ngà 12,37 triệu USD, chiếm 1,63%.

Nhập khẩu bông tháng 8 duy nhất từ thị trường Pakistan tăng 15,18% kim ngạch so với tháng 7, còn lại tất các các thị trường khác đều sụt giảm kim ngạch; trong đó đáng chú ý nhất là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc mặc dù tăng cực mạnh tới 4.565% ở tháng 7, nhưng sang tháng 8 lại sụt giảm mạnh tới trên 98%; tiếp sau đó là các mức giảm lần lượt ở các thị trường như: Bờ biển Ngà (-78,38%); Australia (-77,6%); Đài Loan (-60,2%); Hàn Quốc (-59,99%); Hoa Kỳ (-33,13%) và Achentina (-19,36%).

Xét về mức độ tăng trưởng kim ngạch cả 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, duy chỉ có thị trường Thụy Sĩ giảm 79% về kim ngạch so với cùng kỳ; còn các thị trường khác đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh trên 100% từ các thị trường Trung Quốc (+516,59%); Hoa Kỳ (+164,04%); Đài Loan (+136,3%). 

Thị trường cung cấp bông vải cho Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011

ĐVT: USD

 

 

Thị trường

 

 

T8/2011

 

 

8T/2011

% tăng giảm KN T8/2011 so với T7/2011

% tăng giảm KN T8/2011 so với T8/2010

% tăng giảm KN 8T/2011 so với 8T/2010

Tổng cộng

54.089.343

759.568.215

-30,91

-15,79

+76,99

Hoa Kỳ

30.189.554

429.925.050

-33,13

+2,96

+164,04

Ấn Độ

3.248.616

83.298.334

*

-13,20

+3,35

Pakistan

2.345.976

18.074.201

+15,18

*

*

Australia

1.562.314

15.698.259

-77,60

*

*

Braxin

6.153.381

14.142.858

*

+241,25

+24,37

Bờ biển Ngà

489.362

12.369.757

-78,38

*

*

Achentina

1.171.143

8.013.547

-19,36

*

*

Trung Quốc

91.348

6.024.423

-98,08

-20,33

+516,59

Pháp

0

1.722.812

*

*

*

Indonesia

98.024

1.179.446

*

-4,02

+21,32

Hàn Quốc

66.216

1.139.896

-59,99

-59,46

+34,56

Đài Loan

26.416

1.087.038

-60,20

-53,25

+136,30

Italia

0

582.920

*

*

+36,92

Thuỵ Sĩ

0

530.635

*

*

-79,00

Những tháng đầu năm giá bông có thời điểm lên tới 5 USD/kg nhưng hiện nay chỉ khoảng 2,5 - 2,6 USD/kg. Giá bông tăng giảm bất thường do yếu tố khách quan và đầu cơ làm ảnh hưởng không nhỏ các doanh nghiệp sản xuất sợi, vải trong nước. Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nguyên nhân chính đẩy giá bông lên cao là do một số nước mất mùa và cùng thời điểm bông trên thị trường còn rất ít, trong khi nền kinh tế của EU và Mỹ có nhiều biến động đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục (trên 1800USD/ouz), mà ngoài vàng thì bông xơ cũng là mặt hàng chiến lược mà các nhà đầu cơ quan tâm.

Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu dệt may lớn và đứng thứ 5 về nhập khẩu bông trên thế giới, có nghĩa VN đang là đối tác rất quan trọng của những nước xuất khẩu bông. Nhưng do mới phát triển nên những quy luật của thị trường quốc tế, sở giao dịch, mua kỳ hạn… vẫn còn đang là những điều đang bỡ ngỡ đối với các doanh nghiệp VN. Do đó, VN chưa thể tham gia vào khâu điều tiết giá bằng cách liên kết với các nước khác. Hướng đi chính vẫn là tìm các đối tác cung cấp nguồn bông mới.

Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng: trong giai đoạn này Việt Nam chưa làm được gì nhiều, nên tiếp tục phối hợp với các nước để tổ chức các hội thảo giới thiệu về thị trường, xu thế biến động, môi trường sản xuất, kinh doanh, kỳ hạn, đầu cơ… để các doanh nghiệp có thêm kiến thức đầy đủ hơn, tốt hơn và từ đó chủ động trong vấn đề mua nguyên liệu lựa chọn đối tác để có được giá cả có lợi cho các doanh nghiệp.

 (Vinanet-T.Thuy)

Nguồn: Vinanet