Kim ngạch nhập khẩu ngô trong 7 tháng đầu năm 2014 đã tăng 137,2% so với cùng kỳ năm trước, với gần 2,7 triệu tấn ngô, tương đương giá trị 681 triệu USD.
Giá nhập khẩu thấp hơn giá bán trong nước từ 400 đến 500 đồng/kg là lý do chính khiến lượng ngô nhập khẩu tăng vọt từ đầu năm.
Cùng với nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (tăng 21,6%), bông (tăng 34,9%), ô tô nguyên chiếc (tăng 45,8%)..., thì ngô là mặt hàng có sự gia tăng đột biến nhất về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu ngô trong 7 tháng đầu năm 2014 đã tăng 137,2% so với cùng kỳ năm trước, với gần 2,7 triệu tấn ngô, tương đương giá trị 681 triệu USD. Đây là sự gia tăng mạnh khi Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, sở hữu những yếu tố thuận lợi để phát triển loại cây nông nghiệp này.
Chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán trong nước là lý do chính khiến lượng ngô nhập khẩu tăng vọt từ đầu năm.
Hiện giá ngô nhập khẩu đang thấp hơn giá ngô trong nước từ 400 đến 500 đồng/kg. Với đà giảm của giá ngô thế giới, các doanh nghiệp đã nhân cơ hội này gia tăng nhập khẩu ngô phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi và một phần dự trữ.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng diện tích trồng ngô ở nước ta lại tăng không đáng kể. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, tính đến ngày 15/7/2014, diện tích trồng ngô ở nước ta là 871.400 ha, chỉ tăng 0,2% so với mức 869.500 ha của cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng ngô chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp tăng lên, trong khi nguồn cung ngô trong nước lại giảm khiến các doanh nghiệp phải tìm đến nguồn cung ngô từ nhập khẩu.
Hiện tại, Ấn Độ, Thái Lan, Brazil, Argentina, Campuchia, Lào là những thị trường cung cấp ngô lớn cho Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là Brazil, chiếm 54,3% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng, tiếp đến là Ấn Độ, Thái Lan, nguồn cung từ Lào chiếm tỷ trọng nhỏ nhất.
Ngoài ra, cùng với yếu tố giá cả, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp còn tìm đến nguồn cung ngô nhập khẩu bởi sản phẩm thường được sấy khô đến mức tối ưu, độ ẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật 14-15%. Trong khi đó, ngô trong nước có độ ẩm 23-25%, thậm chí là 30% vào đầu mùa.
Thực tế, nhập khẩu ngô đã tăng vọt từ năm 2013, với 2,18 triệu tấn, trị giá 675 triệu USD, tăng 35,5% so với cả năm 2012. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo rằng, với tốc độ nhập khẩu như 7 tháng qua, khả năng là hết năm 2014, Việt Nam sẽ nhập khẩu trên 4,5 triệu tấn ngô, chiếm 2/3 nhu cầu, tương đương khoản chi phí 1 tỷ USD.
Việc nhập khẩu ngô gia tăng mạnh không chỉ tạo sức ép tới các hộ nông dân trồng ngô trong nước, mà theo Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, mặt trái của nhập khẩu ngô với số lượng lớn là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải phụ thuộc nhiều vào biến động giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.
Nguồn: Báo đầu tư