Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 quý năm 2014, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 107,61 tỷ USD, tăng 11,6%, tương ứng tăng gần 11,16 tỷ USD. Trong đó các nhóm hàng nhập khẩu chính gồm:
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9 là 2,04 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 8. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2014, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 16,2 tỷ USD, tăng 21% so với 9 tháng năm 2013; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 9,82 tỷ USD, tăng 28,4% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 6,35 tỷ USD, tăng 11,1%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng qua với trị giá là 5,69 tỷ USD, tăng 22,4%; tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản 2,63 tỷ USD, tăng 23,8%; Hàn Quốc 2,23 tỷ USD, tăng 10,5%; Đài Loan 1,06 tỷ USD, tăng mạnh 65,9%…
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 9 là hơn 2 tỷ USD, tăng mạnh 36,9% về số tương đối và tăng 540 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước.
Tính trong 9 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu 13,16 tỷ USD nhóm hàng này, giảm nhẹ 0,9%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 11,95 tỷ USD, giảm 2,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 1,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2014, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 3,63 tỷ USD, giảm 6,3%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc 3,29 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5%; Singapore 1,72 tỷ USD, tăng 9,2%; Nhật Bản 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ 1,8%... so với cùng kỳ năm 2013.
Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng 9 là 456 nghìn tấn, trị giá là 391 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 25,6% về trị giá so với tháng trước.
Tính đến hết 9 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu 6,72 triệu tấn với trị giá là 6,32 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 22,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ các thị trường: Singapore với 2,26 triệu tấn, tăng 37%; Trung Quốc 1,19 triệu tấn, tăng 30,2%; Đài Loan 929 nghìn tấn, giảm 8,1%; Hàn Quốc 542 nghìn tấn, tăng mạnh 77,9%... so với 9 tháng năm 2013.
Sắt thép các loại: Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 9-2014 là 1,09 triệu tấn, tăng 4,5% với trị giá là 720 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 9-2014, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,13 triệu tấn, trị giá là 5,45 tỷ USD, tăng 15% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua từ Trung Quốc là 3,95 triệu tấn, tăng 50,7% và chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về; Nhật Bản 1,68 triệu tấn, giảm 13,7%; Hàn Quốc 1,05 triệu tấn, tăng 2,2%; Đài Loan 867 nghìn tấn, tăng 21,2%; Ấn Độ 286 nghìn tấn, tăng 11,5%... so với 9 tháng năm 2013.
Ô tô nguyên chiếc: Tháng 9 nhập khẩu gần 6,8 nghìn chiếc đạt tị giá 160 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và 18,3% về trị giá so với tháng trước. Trong 9 tháng năm 2014, cả nước nhập về 44,08 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá là 968 triệu USD, tăng mạnh 75,2% về lượng và tăng mạnh 96,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 9 tháng năm 2014, lượng xe 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam là 19,5 nghìn chiếc, tăng 65,4%; ô tô tải là 17,6 nghìn chiếc, tăng 54,2% và ô tô loại khác là 7 nghìn chiếc, tăng mạnh 255% so với cùng kỳ năm 2013.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 11,64 nghìn chiếc, tăng 7,2%. Tiếp theo là Thái Lan 8,66 nghìn chiếc, tăng mạnh 52,1%; Trung Quốc 8,4 nghìn chiếc, tăng mạnh 203%; Ấn Độ 7,1 nghìn chiếc (cùng kỳ năm 2013 là 928 chiếc)…
Phân bón các loại: Lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là 434 nghìn tấn, trị giá là 154 triệu USD, tăng 33,2% về lượng và tăng 46,1% về trị giá so với tháng trước.
Tính đến hết 9 thángnăm 2014, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 2,92 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 14% nên trị giá nhập khẩu là 943 triệu USD, giảm 25,8% so với 9 tháng năm 2013.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2014 với 1,54 triệu tấn, giảm 11,3% và chiếm 52,6% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Nga 296 nghìn tấn, tăng mạnh 68,2%; Nhật Bản 241 nghìn tấn, tăng 10,3%… so với cùng kỳ năm 2013.
Nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày: Trị giá nhập khẩu trong tháng là 1,43 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 9-2014, cả nước nhập khẩu 12,61 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 17%. Trong đó, trị giá vải nhập khẩu là 6,88 tỷ USD, tăng 14,3%; nguyên phụ liệu: 3,46 tỷ USD, tăng 25,1%; xơ sợi: 1,16 tỷ USD, tăng 3,2% và bông là 1,11 tỷ USD, tăng 27,9%.
Trong 9 tháng năm 2014, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 4,95 tỷ USD, tăng 23,3%; tiếp theo là Hàn Quốc 2,07 tỷ USD, tăng 9,4%; Đài Loan 1,69 tỷ USD, tăng 10%; Hoa Kỳ 645 triệu USD, tăng 16,9%… so với cùng kỳ năm trước.
Chất dẻo nguyên liệu: Kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 291 nghìn tấn, tương đương 547 triệu USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với tháng trước, đến hết 9 tháng năm 2014 kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,54 triệu tấn, có trị giá hơn 4,66 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Các thị trường cung cấp chất dẻo nguyên liệu cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2014 như: Ả rập Saudi đạt kim ngạch 564 nghìn tấn, trị giá 844 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và 18,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hàn Quốc đạt 458 nghìn tấn, trị giá 870 triệu USD, giảm 2,5% về lượng và 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Đài Loan đạt 375 nghìn tấn, trị giá 717 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; ...
Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 329 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước, đến hết 9 tháng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 2,53 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm tước.
Các thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu chính cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 như: thị trường Aghentina đạt 969 triệu USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hoa kỳ đạt 310 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013; các thị trường khác như Trung Quốc đạt 229 triệu USD, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm 2013; ....
Nguồn: Báo Hải quan