Thịt bò nhập khẩu đang được bày bán tại nhiều nơi, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Tương tự nhiều loại thịt nhập khẩu khác đã tác động tích cực đến thị trường nước ta. Nhưng quản lý thịt nhập khẩu đang đặt ra yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như không để lại những hệ lụy nặng nề với ngành chăn nuôi trong nước.
Gần đây, các siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội bày bán nhiều loại thịt bò nhập khẩu ở những quầy hàng có vị thế tốt. Ngoài ra, cũng có hàng chục cửa hàng chuyên bán thịt bò và các phụ phẩm đi kèm. Mặt hàng này được gắn nhãn mác, xuất xứ từ nhiều nước với mức giá cạnh tranh so với thịt bò trong nước. Nhưng chất lượng hay việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt bò nhập khẩu thì không dễ kiểm soát. Qua khảo sát các đầu mối cung cấp cho thấy, không phải tất cả thịt bò nhập khẩu đều bảo đảm hương vị, chất lượng, thậm chí có tình trạng xuất xứ trên nhãn mác sai so với xuất xứ thật. Người tiêu dùng cũng nhận định, thịt bò nhập khẩu đắt hơn nhưng chất lượng không cao hơn hẳn so với thịt bò nuôi trong nước. Đối với những loại thịt có giá rẻ hơn thì chất lượng kém hơn hẳn.
Nhưng có lẽ áp lực với người nuôi bò thịt trong nước không phải chỉ đến từ hàng nhập khẩu. Thực tế, dù có thị trường tiêu thụ lớn như ở Hà Nội, nhưng người nuôi trâu bò vẫn không có lãi, trong khi người tiêu dùng phải mua thịt với giá cao. Đây là một nghịch lý mà cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều phải chịu thiệt về giá, thậm chí cả về chất lượng thực phẩm. Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi cổ đông thị xã Sơn Tây, Hà Nội Trần Văn Chiến cho biết, chi phí nuôi cao nhưng đầu ra khó khăn, giá thành thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và quy trình nuôi của nông dân.
Việc các siêu thị, cửa hàng bày bán thịt bò nhập khẩu với giá không chênh lệch lớn, thậm chí là ngang bằng và thấp hơn giá thịt nuôi trong nước đã giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Nhưng tình trạng thịt trâu Ấn Độ chất lượng kém đội lốt thịt bò nhập khẩu được đưa vào quán nhậu vỉa hè, cửa hàng nhỏ đang khiến người tiêu dùng lo lắng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng, vì họ chỉ có thể dùng lòng tin khi đi mua ở những địa chỉ quen, tin cậy.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, trâu, bò sống được nhập khẩu qua các cửa khẩu tại TP Hồ Chí Minh nhiều nhất và được khai báo với giá trên 2 USD/kg thịt hơi. Bên cạnh đó, thuế suất thuế nhập khẩu trâu, bò sống nhập khẩu từ Australia và New Zealand đang được áp dụng ở mức 5%, theo Thông tư 44 của Bộ Tài chính. Trong khi đó, thuế nhập khẩu với thịt đã pha năm nay giảm xuống còn 7%, giảm 3 điểm phần trăm so với mức thuế áp dụng trong năm 2012 - 2013. Đây là yếu tố làm giá thành nhập khẩu thịt bò giảm, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là mặt hàng này hiện nằm ngoài danh mục quản lý rủi ro nên khó kiểm soát chất lượng. Và cũng không chỉ có thịt bò, hiện nay nhiều loại thực phẩm cũng nằm ngoài danh mục quản lý rủi ro nên nguy cơ gây hại cho sức khỏe vẫn đang lơ lửng trên đầu người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng thịt bò nhập khẩu, cũng như các loại thịt nhập khẩu khác; nâng cao khả năng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta… Làm được như vậy sẽ bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.
Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân