Việt Nam được coi là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính hằng năm khoảng 3.000 -5.000 tấn. Đây được coi là con số ấn tượng về nguồn dược liệu so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng nghịch lý là tỷ lệ sử dụng dược liệu trong nước để sản xuất thuốc giảm dần theo các năm.

Một nghịch lý nữa, trong khi Việt Nam là xứ sở của hàng ngàn cây thuốc, nhưng vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước.

Theo số liệu thống kê từ TCHQ, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10 năm 2013, ngành sản xuất dược phải nhập khẩu 244,9 triệu USD, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2012.

TS Nguyễn Bá Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, đã có trên 20 loại thuốc vốn đã nhập nội thành công ở Việt Nam và đã từng sản xuất đạt sản lượng lớn, nay cũng phải nhập khẩu trở lại như: bạch chỉ, bạch truật, đương quy, huyền sâm, ngưu tất, sinh địa, thục địa, xuyên khung,…

Có khoảng 45 loài cây trồng là thế mạnh của Việt Nam cũng phải nhập khẩu như: bạch biển đậu (đậu ván trắng), binh lang (hạt cau), hoắc hương, xạ can, hồng hoa, xuyên tâm liên… Tình trạng này cũng xảy ra với 25 loại là cây thuốc mọc tự nhiên ở Việt Nam, đã từng khai thác xuất khẩu.

Các thị trường cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Áo, Tây Ban Nha, Đức,Pháp,…..Trong đó, Trung Quốc là thị trường chiếm thị phần lớn, chiếm 51%, với trên 125 triệu USD, tâng 3,04% so với cùng kỳ.

Kế đến là thị trường Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu từ thị trường này lại giảm nhẹ, giảm 4,19% với 39,8 triệu USD.

Nhìn chung, 10 tháng đầu năm nay nhập khẩu dược phẩm đều tăng trưởng về kim ngạch ở hầu khắp các thị trường, chiếm trên 70%, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là thị tường Áo,tăng 89,315.

Thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm 10 tháng 2013

ĐVT: USD
(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ TCHQ Việt Nam)
Thị trường
KNNK 10T/2013
KNNK 10T/2012
Tốc độ +/- (%)
Tổng KN
244.982.134
221.598.397
10,55
Trung Quốc
125.000.740
121.313.402
3,04
Ấn Độ
39.813.995
41.555.476
-4,19
Áo
15.893.558
8.395.470
89,31
Tây Ban Nha
11.664.035
8.927.472
30,65
Đức
7.933.517
7.172.149
10,62
Pháp
5.421.792
3.859.515
40,48
Italia
4.865.010
3.463.811
40,45
Thụy Sỹ
3.846.465
3.355.057
14,65
Hàn Quốc
3.663.063
4.114.285
-10,97
Anh
2.787.652
2.865.759
-2,73
Nhật Bản
753.098
586.294
28,45

Theo các chuyên gia dược liệu, thì việc nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm về mặt chất lượng là điều đáng lo ngại, bởi lẽ, cho đến nay, hầu hết dược liệu khi đến tay người tiêu dùng phải qua các khâu chế biến. Tuy nhiên, công đoạn chế biến và chất lượng của dược liệu hiện nay rất đáng lo ngại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Việc thả nổi quản lý chất lượng trong chủng loại, chế biến và nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến dược liệu sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập khẩu. Tình trạng nhập khẩu dược liệu “rác”, kém chất lượng tràn lan qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu vùng biên dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loại cây thuốc quý hiếm.

Cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào đảm trách khâu kỹ thuật sản xuất, dẫn đến tình trạng các cây dược liệu trong nước không đảm bảo được năng suất, chất lượng, giá cả để cạnh tranh với dược liệu các nước…

Để dược liệu trong nước không bị thua trên sân nhà, cách làm cần thiết nhất hiện nay là phát triển chủng loại và mở rộng diện tích trồng cây thuốc để giảm dần nguồn nguyên liệu nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.

Làm được điều này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển, quy hoạch từng vùng trồng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những biện pháp, chế tài nghiêm ngặt đối với những hành vi lợi dụng khai thác các nguồn dược liệu quý hiếm của Việt Nam sang nước ngoài để trục lợi.

Theo điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng hơn 3.900 loài cây thuốc, 52 loài tảo biển, 75 loại khoáng vật, 408 loài động vật làm thuốc, trong đó, có nhiều loại có giá trị cao là dược liệu quý đã được thế giới công nhận như cây hồi, cây gió bầu, cây quế, atisô, sâm Ngọc Linh, cây tràm, hoa hòe.

Nguồn:Vinanet; Thái Hà (Tiền Phong)

Nguồn: Vinanet