Theo Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach, năm nước xuất khẩu gạo của ASEAN nên phối hợp cùng nhau để khẳng định vị trí trên thị trường gạo thế giới.

Thái Lan vừa đề xuất lại việc thành lập Hiệp hội gạo ASEAN để nâng cao quyền đàm phán về giá bán cho các nước thành viên tại một hội nghị do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức với sự tham gia của bốn nước sản xuất và xuất khẩu gạo trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Theo Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach, năm nước xuất khẩu gạo của ASEAN nên phối hợp cùng nhau để khẳng định vị trí trên thị trường gạo thế giới và Hiệp hội gạo ASEAN cần được thiết lập để tăng cường quyền đàm phán của họ.

Hàng năm, năm nước ASEAN đóng góp gần 20 triệu tấn trong số 30 triệu tấn gạo buôn bán trên thị trường thế giới, nhưng các nước này vẫn phải đối phó với hàng loạt khó khăn như giá cả bất ổn và không kiểm soát được theo hệ thống.

Ông Yanyong cho rằng nếu Hiệp hội gạo ASEAN được thành lập, các khó khăn trên sẽ được loại bỏ, đồng thời sẽ giúp ổn định thị trường và giảm bớt tính quyết liệt trong cạnh tranh buôn bán gạo.

Hoạt động của hiệp hội là chia sẻ thông tin, hợp tác trong sản xuất và tiếp thị để thực hiện mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các nước ASEAN đang sản xuất lúa gạo.

Việt Nam và Thái Lan đang kiểm soát gần 50% lượng gạo buôn bán trên toàn cầu, nhưng Hội đồng ngũ cốc quốc tế ước tính con số này sẽ giảm xuống khi Ấn Độ trở thành nước xuất gạo lớn nhất thế giới.

Ý định thành lập hiệp hội gạo được coi là nhằm đối phó với thị phần đang ngày càng tăng của Ấn Độ.

Theo đánh giá của đại diện Agrow Enterprise, nhà môi giới sản phẩm nông nghiệp có trụ sở tại Bangkok, để ý tưởng thành lập hiệp hội gạo thành hiện thực, cần phải kêu gọi Việt Nam tham gia vào ban điều hành.

Thái Lan lâu nay vẫn đi đầu trong việc vận động tăng giá xuất khẩu gạo. Có thể một phần lý do của việc làm này xuất phát từ chương trình trợ giá gạo đang được chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra thực hiện.

Trong chương trình này, người nông dân được trả giá cao hơn 40% so với giá thị trường và kết quả là kho dự trữ của chính phủ ngày càng tăng vì không thể cạnh tranh được với giá xuất khẩu trên thế giới.

(Vietnam+)

Nguồn: Tin tham khảo