Với kim ngạch thu về hơn 93 tỷ USD, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt là công nghiệp chế biến đang có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020.

Giữ vững vị trí ”đầu tàu”

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công nghiệp chế biến là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trong năm 2013 ước đạt 93,18 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 25,5% so với năm 2012. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đứng ở vị trí thứ nhất với kim ngạch thu về hơn 21,5 tỷ USD, kế đó là dệt may đạt hơn 17,8 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 3 với hơn 10,6 tỷ USD và giày dép đứng ở vị trí thứ 4 có kim ngạch hơn 8,3 tỷ USD.

Do khủng hoảng kinh tế, sức mua thị trường thế giới suy giảm, tuy nhiên các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng.

Từ sự bứt phá của nhóm hàng công nghiệp chế biến với vai trò là đầu tàu kéo kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định: Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể trong năm 2013, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất là 70,5%, tăng 25,5% so với cùng kỳ, thứ hai là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 15%, giảm 5,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chiếm 7,3%, giảm 16,3%.

Đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường mới

Một điểm sáng của hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 và đặc biệt trong năm qua là các DN vẫn duy trì được mức tăng trưởng ở những thị trường truyền thống và khai mở được nhiều thị trường mới. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu năm 2013 ghi nhận sự tăng trưởng trên tất cả các thị trường, trong đó thị trường châu Phi tăng cao nhất là 28%, châu Mỹ ước tăng 23,1%, châu Âu tăng 19,4%, châu Đại Dương tăng 14,1% và châu Á tăng 12,7%.

Do các DN khai thác tốt các thị trường truyền thống, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu nên dù tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong các khu vực thì châu Á vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam, chiếm 51,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt 67,7 tỷ USD. Điều đáng nói là tại một số nước của châu Á, hàng hóa Việt Nam đang chiếm được sự tin cậy với kim ngạch xuất khẩu tăng rất cao như ở nhóm các nước Tây Á tăng tới 63,2%; nhóm các nước Trung Nam Á tăng 53,9%. Đối với thị trường châu Âu, trong số kim ngạch ước đạt 27,05 tỷ USD, chiếm 20,5% cơ cấu thị trường xuất khẩu với mức tăng 19,4% thì riêng kim ngạch vào khối khối EU cũng đã đạt 24,4 tỷ USD, tăng 20,4%.

Các thị trường giàu tiềm năng cũng đang dần được khai phá và có con số tăng trưởng ấn tượng như châu Phi ước đạt 2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2012, trong đó tăng cao ở thị trường Nigiêria, Angiêri và Nam Phi. Thị trường châu Đại Dương ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2012, tăng cao ở thị trường Niu Dilân tăng trên 51%.

(Nguồn: Công Thương)

Nguồn: Vinanet