(VINANET) - Nga là thị trường khá mở với sức tiêu thụ lớn. Hàng năm Nga nhập khẩu các mặt hàng với trị giá kim ngạch từ 250-312 tỷ USD. Dung lượng tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào Nga còn rất tiềm năng.
Năm 2014 so với năm 2000, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đã cao gấp trên 14 lần, bình quân tăng 20,8%/năm, cao hơn các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (10,4 lần, tăng 18,2%/năm). Liên bang Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 17 của Việt Nam năm 2014. Trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn (năm 2014 là 908 triệu USD, 2 tháng đầu năm 2015 là 130 triệu USD). Trong khi đó, Liên bang Nga đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tính từ 1988 đến 2014 đạt 1.946 triệu USD đứng thứ 18 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính đến hết quí I/2015 Việt Nam đã xuất khẩu sang Liên bang Nga 319 triệu USD và nhập khẩu từ Nga 128,4 triệu USD, như vậy quý đầu tiên của năm 2015 Việt Nam đã xuất siêu sang Nga 191 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu các mặt hàng linh kiện, điện tử máy móc, hàng nông sản trong đó quí đầu năm 2015 hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm thị phần lớn, chiếm 47%, với 150,1 triệu USD, tuy nhiên so với quý I/2014, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này giảm, giảm 13,38%.
Đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Nga, đây là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam khi xuất sang thị trường này, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này đều có tốc độ tăng trưởng dương so với quí I/2014, ví dụ như gạo tăng 45,47%, cao su tăng 101,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 178,02%...
Đối với mặt hàng thủy sản, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sang Liên bang Nga là rất lớn khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết chính thức. Bởi ngoài lợi ích về thuế, VCUFTA sẽ đem lại một loạt thỏa thuận về các hàng rào kỹ thuật theo đúng thông lệ quốc tế, giúp hàng Việt dễ dàng tiếp cận thị trường Nga.
Tuy nhiên, theo Phó tổng thư ký VASEP, trong bối cảnh Nga cấm nhập khẩu thủy sản trong vòng một năm từ Hoa Kỳ, Canada, Nauy, Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các mặt hàng thế mạnh của mình để cạnh tranh với các quốc gia khác nhằm tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.
Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang Liên bang Nga quí I/2015 – ĐVT: USD
Mặt hàng
|
3T/2015
|
3T/2014
|
% so sánh với cùng kỳ
|
Tổng KN
|
319.048.473
|
415.945.223
|
-23,30
|
Điện thoại các loại và linh kiện
|
150.157.080
|
173.343.087
|
-13,38
|
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
|
36.064.251
|
20.419.197
|
76,62
|
Cà phê
|
24.236.939
|
35.194.563
|
-31,13
|
Hàng thủy sản
|
21.567.132
|
18.253.939
|
18,15
|
Giày dép các loại
|
11.632.689
|
19.429.794
|
-40,13
|
Hàng dệt may
|
9.929.733
|
22.417.199
|
-55,70
|
Gạo
|
8.074.925
|
5.550.767
|
45,47
|
Chè
|
5.260.022
|
5.270.204
|
-0,19
|
Máy móc, tbi, dụng cụ phụ tùng khác
|
5.052.835
|
3.346.472
|
50,99
|
Hàng rau quả
|
4.934.054
|
7.967.146
|
-38,07
|
Cao su
|
4.758.140
|
2.357.378
|
101,84
|
Hạt điều
|
4.115.961
|
10.234.530
|
-59,78
|
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc
|
2.214.519
|
1.970.846
|
12,36
|
Hạt tiêu
|
1.911.705
|
6.635.200
|
-71,19
|
Gỗ và sản phẩm gỗ
|
1.411.265
|
3.168.306
|
-55,46
|
Sắt thép các loại
|
968.568
|
3.659.452
|
-73,53
|
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận
|
942.273
|
|
|
Sản phẩm từ chất dẻo
|
923.187
|
3.089.361
|
-70,12
|
Sản phẩm gốm, sứ
|
447.922
|
1.271.021
|
-64,76
|
Sắn và các sản phẩm từ sắn
|
404.078
|
145.340
|
178,02
|
Sản phẩm mây,tre, cói thảm
|
143.082
|
986.281
|
-85,49
|
(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ)
Dẫn nguồn tin từ Vietnamplus.vn, ngày 7/5 tới đây, nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman và Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliev, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga (7-10/5/2015), thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc (10-13/5/2015) và thăm chính thức Cộng hòa Azerbaijan (13-15/5/2015).
Hiện Nga đứng thứ 17/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 106 dự án và tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông, với một số dự án lớn như Ngân hàng Việt-Nga (VRB)...
Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Moskva. Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga.
Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam .
Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam.
Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, năm 2015 Nga cấp cho Việt Nam trên 795 học bổng. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 60.000-80.000 người và có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện.
Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội sinh viên tại Moskva, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương…